Gói hỗ trợ hậu Covid-19 được ví như dòng nước mát lành trong mùa khô hạn, giúp nhiều đối tượng giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ đến đúng tay người cần lại là một câu chuyện đầy gian nan, cần sự nỗ lực, tận tâm của nhiều người…
Mong sớm được nhận hỗ trợ
Kể từ tháng 3 đến nay, chiếc xe xích lô của ông Mai Văn Dũng (phường Phước Long, TP. Nha Trang) phải tạm ngừng hoạt động vì không có khách du lịch. Cùng với đó, gánh hàng rau câu của vợ ông là bà Lê Thị Bé bán ở các điểm du lịch cũng tạm ngừng. Ông Dũng chia sẻ: “Cuộc sống cả gia đình 5 nhân khẩu đều trông nhờ vào chiếc xích lô, gánh hàng rong. Nhưng hơn 3 tháng nay, vợ chồng tôi thu nhập không có. Tôi phải vay mượn hơn 10 triệu đồng để lo cho 3 đứa con ăn học. Mấy ngày qua, tổ dân phố và cán bộ phường đến nhà thông báo về gói hỗ trợ của Nhà nước và yêu cầu kê khai. Tôi rất mừng nếu được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Nhưng chưa biết đến khi nào mới được nhận”.
|
Tương tự, ông Bùi Văn Hiền (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cũng đã nghỉ việc hơn 3 tháng nay. Ông Hiền vốn làm bảo vệ cho một khách sạn trên đường 23-10, mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng. Từ khi dịch bùng phát, khách sạn đóng cửa, ông bị mất việc làm đến nay. Vợ và con gái ông làm nhân viên buồng phòng cho một khách sạn trên đường Nguyễn Thiện Thuật cũng phải nghỉ việc. Bản thân ông Hiền lại bị bệnh khớp, không có tiền mua thuốc điều trị nên mấy tháng nay bệnh phát nặng. Ông Hiền chia sẻ: “Mấy ngày qua, tổ dân phố đến khảo sát và kê khai nhận hỗ trợ của Nhà nước, tôi rất vui mừng, mong sớm được nhận để phần nào giúp gia đình vơi bớt khó khăn”.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Tượng - Tổ trưởng tổ dân phố 1 Phước Hưng (phường Phước Long, TP. Nha Trang) phải đến từng nhà, gặp từng người thuộc các nhóm đối tượng dự kiến được thụ hưởng để phổ biến chính sách, kê khai, lập danh sách gửi UBND phường. Với 15 năm liên tục làm tổ trưởng tổ dân phố, bà Tượng biết rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình. Bà Tượng tâm sự: “Khu dân cư 1 Phước Hưng có 209 hộ và 16 hộ tạm trú. Tổ không có hộ nghèo, cận nghèo mà đa phần thuộc nhóm lao động, nhất là lao động tự do. Khi dịch bệnh bùng phát, không ít người bị mất việc làm. Kể từ khi Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ, bình quân mỗi ngày tôi nhận hơn 60 cuộc điện thoại của người dân hỏi về gói hỗ trợ. Hơn 1 tuần qua, ngày nào tôi cũng đến từng nhà để khảo sát, ghi phiếu. Công việc bận rộn và gặp nhiều khó khăn do có nhiều quy định mới còn chưa rõ, nhưng tôi cố hoàn thành công việc, sớm ngày nào hay ngày đó để người dân sớm được nhận hỗ trợ”.
|
Tương tự, hơn 1 tuần qua, ngày nào bà Nguyễn Thị Hoa - Tổ trưởng tổ dân phố 1 Trường Sơn (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) cùng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố đến từng hộ gia đình để khảo sát, kê khai đối tượng. “Nhiều hộ ban ngày đến họ không có nhà thì chúng tôi tranh thủ ban đêm tới khảo sát. Để tạo sự công khai, minh bạch, đúng đối tượng, sau khi khảo sát, chúng tôi tổ chức họp dân để bình xét công khai. Chính người dân trong tổ đóng góp ý kiến, giám sát những đối tượng ghi trong phiếu có đáng được nhận hỗ trợ hay không”, bà Hoa cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), với những đối tượng là người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội lâu nay đã được quản lý chặt chẽ nên khi triển khai gói hỗ trợ rất thuận lợi. Riêng nhóm đối tượng lao động, hộ kinh doanh lần đầu mới khảo sát, hỗ trợ nên gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc triển khai hỗ trợ cho nhóm đối tượng này cần phải được thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ nhằm đảm bảo việc chi hỗ trợ đúng đối tượng, tránh bỏ sót đối tượng nhưng cũng tránh trục lợi chính sách. Vì thế, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở. Trong đó, nòng cốt là ban công tác thôn, tổ dân phố, vì hơn ai hết họ là người nắm sát, hiểu rõ về hoàn cảnh của các nhóm đối tượng thụ hưởng.
Còn đó những bất cập
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã và đang tập trung tuyên truyền, khảo sát, kê khai nhóm đối tượng lao động. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng lao động tự do được hưởng hỗ trợ đang tạo ra nhiều khó khăn, lúng túng cho cơ sở. Qua rà soát, có nhiều lao động làm nghề thợ xây, phụ hồ, lao động thời vụ, giáo viên mầm non tại các cơ sở nhóm trẻ tư thục, làm vệ sinh trong các nhà trường… cũng bị ảnh hưởng nặng do dịch nhưng tổ dân phố, cấp xã không biết đưa vào nhóm đối tượng nào để được nhận hỗ trợ.
|
Bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP. Nha Trang cho biết, ngày 31-1, Bộ Y tế đã công bố dịch trên địa bàn tỉnh và đã có rất nhiều doanh nghiệp cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động trước ngày 1-4. Tuy nhiên, trong quy định gói hỗ trợ chỉ áp dụng cho đối tượng mất việc làm từ ngày 1-4 khiến địa phương không thể đưa những lao động bị nghỉ việc trước đó vào danh sách nhận hỗ trợ. Trong khi đó, có rất nhiều người trong số đó thực sự gặp khó khăn. Bên cạnh đó, quan điểm của Chính phủ là hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc, nhưng phải là lao động giảm sâu về thu nhập. Trong khi việc xác định đúng đối tượng lao động tự do đã khó, xác định mức thu nhập của họ còn khó hơn, bởi không ai có thể xác định được thu nhập bình quân tháng trước khi mất việc làm của họ là bao nhiêu. Người lao động kê khai thế nào, có trung thực hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức tự giác của họ…
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, hiện nay, sở đã hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong triển khai chính sách. Với cách làm cuốn chiếu, vướng chỗ nào, từng bước tháo gỡ đến đó để chính sách hỗ trợ sớm đến đúng đối tượng. Danh sách các đối tượng sau khi được kiểm duyệt qua cấp xã, cấp huyện thì sở sẽ thực hiện kiểm duyệt sàng lọc lại một lần nữa trước khi trình UBND tỉnh ra quyết định. Với sự vào cuộc quyết liệt, đến ngày 31-7, tỉnh quyết tâm hoàn thành việc chi hỗ trợ cho tất cả các đối tượng.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202006/de-goi-ho-tro-som-den-tay-nguoi-kho-khan-8167138/