Với những khó khăn người trồng mía đang gặp phải, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) vừa đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân trong quá trình đầu tư, chăm sóc, phát triển cây mía đường.
|
Xác xơ vùng mía
Trong 3 niên vụ gần đây, người trồng mía trên toàn tỉnh luôn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài đang tác động ngày một xấu hơn đến cây mía, nhất là trong điều kiện hầu hết diện tích mía hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Theo lãnh đạo BHS-NH, niên vụ 2019 - 2020, từ tháng 4 đến nay, tổng lượng mưa ở vùng nguyên liệu Ninh Hòa chưa đầy 300mm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Điều này ảnh hưởng lớn đến thời vụ trồng và chăm sóc mía, tỷ lệ mía gốc tái sinh chưa đầy một nửa so với năm trước. Cũng do nắng nóng, hơn 3 tháng qua, diện tích mía bị cháy trong toàn vùng nguyên liệu là 185ha, mức độ thiệt hại 100%. Nguy cơ cháy mía hiện nay vẫn rất lớn. Ngoài ra, do ít được chăm sóc, tình hình sâu bệnh đục thân, sùng đất, bệnh trắng lá mía… phát triển mạnh và lây lan thành dịch. Chưa kể, từ tháng 6 đến nay, gió tây nam thổi mạnh, mang theo hơi nóng đang ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây mía. Ước tính có đến 95% diện tích mía của vùng nguyên liệu BHS-NH tại Ninh Hòa bị chết khô.
Cũng theo BHS-NH, ở vùng nguyên liệu Ninh Hòa, diện tích niên vụ 2019 - 2020 đến nay chưa đầy 5.500ha, giảm hơn 1.400ha so với niên vụ trước. Diện tích giảm mạnh ngoài yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài, mía tái sinh kém và chết gốc, không có nước tưới, còn do người trồng mía không chăm sóc. Vì vậy, BHS-NH dự kiến năng suất bình quân niên vụ tới chỉ đạt 39 tấn/ha, giảm 10,5 tấn/ha so với niên vụ trước. Điều này kéo theo sản lượng sẽ giảm 128.000 tấn.
|
Đề nghị Nhà nước cùng hỗ trợ
Với tình hình trên, BHS-NH đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định vùng nguyên liệu. Cùng với việc quy hoạch lại diện tích vùng nguyên liệu, tổ chức điều tra, xác định diện tích có khả năng trồng lại mía tơ, nhất là ở những khu vực có thể cơ giới hóa ở các khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch, công ty còn cùng với người trồng mía tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hiệu quả của cây mía. Theo BHS-NH, hiện nay, hầu hết diện tích vùng nguyên liệu của công ty ở Ninh Hòa đều khá nhỏ lẻ, bình quân mỗi thửa mía chỉ đạt khoảng 1,2ha, điều này khiến cho việc áp dụng cơ giới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc khuyến khích thực hiện chương trình cánh đồng liên kết, tạo nên những cánh đồng rộng lớn, áp dụng chung một quy trình sẽ giảm được chi phí đầu tư, tăng năng suất và hiệu quả.
Trong buổi làm việc với UBND thị xã Ninh Hòa mới đây, BHS-NH đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ người trồng mía. Cụ thể, đối với diện tích mía đã đầu tư niên vụ này, BHS-NH đang vay vốn ngân hàng đầu tư cho người trồng mía 60 tỷ đồng với mức lãi suất 9%/năm. Doanh nghiệp mong muốn UBND thị xã Ninh Hòa có ý kiến với các đơn vị liên quan giảm 60% mức lãi suất vốn vay đầu tư cho người trồng mía. Đối với diện tích mía bị cháy hoàn toàn, không có khả năng tái sinh (185ha), công ty sẽ hỗ trợ 30% chi phí giống mía, đề nghị ngân sách hỗ trợ 70% (khoảng 5.670.000 đồng/ha) để người dân có điều kiện tái sản xuất. Ở một số nội dung khác, công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí cày ngầm khoảng 1,6 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để nông dân đào hố trồng mía bằng máy khoảng 12 triệu đồng/ha, BHS-NH sẽ hỗ trợ 30%, đề xuất ngân sách hỗ trợ 30% chi phí này. Ngoài ra, BHS-NH cũng mong muốn Nhà nước cùng doanh nghiệp chung tay hỗ trợ nông dân trồng mía ở các nội dung giống mía, chăm sóc, thu hoạch mía.
Qua tính toán, tổng chi phí hỗ trợ đầu tư niên vụ mía 2019 - 2020 ở vùng nguyên liệu mía Ninh Hòa của BHS-NH hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp chiếm khoảng một nửa, 50% còn lại đề xuất ngân sách hỗ trợ. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, với những đề xuất của BHS-NH, thị xã cơ bản thống nhất; đề nghị công ty hoàn thiện văn bản, trình UBND thị xã để xem xét, đề xuất UBND tỉnh chính sách hỗ trợ cho người trồng mía. Tuy nhiên, với khoảng 11.000ha mía hiện nay, theo kế hoạch đến năm 2020, Ninh Hòa sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 9.200ha. Vì vậy, hoạt động đẩy mạnh đầu tư nhằm tạo nên vùng sản xuất nguyên liệu rộng lớn, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật… phải được xem xét ở những vùng, khu vực trọng yếu về cây mía. Ở các địa phương có diện tích manh mún, nhỏ lẻ, không đủ điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch sẽ được định hướng chuyển sang các loại cây trồng khác.
Theo Báo Khánh Hòa