Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2907 về việc phân công các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ hộ gia đình gặp khó khăn tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Quyết sách mang tính nhân văn này không chỉ giúp ĐBDTTS có những cái Tết ấm áp, mà còn có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Món quà ý nghĩa
3 năm qua (2016 - 2018), 190 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phân thành 36 nhóm trợ giúp đã chung tay, giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất cho hàng nghìn hộ ĐBDTTS có hoàn cảnh khó khăn tại 36 xã miền núi khó khăn trên địa bàn tỉnh với kinh phí hàng tỷ đồng.
|
Theo ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn), 3 năm qua, hàng trăm hộ ĐBDTTS gặp khó khăn của xã đã nhận được những sự trợ giúp hết sức thiết thực từ các cơ quan, đơn vị. Cụ thể, nhóm đỡ đầu do Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm trưởng nhóm đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho 26 hộ tại cánh đồng Gu Đơn, thôn Tà Gụ chuyển gần 2,8ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 845 cây bưởi da xanh. Mô hình hợp tác phát triển sản xuất do ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề xướng đã hỗ trợ cho 41 hộ trồng 6ha bưởi da xanh, 3ha sầu riêng với tổng kinh phí hơn 240 triệu đồng. Các hộ được hỗ trợ đều rất phấn khởi, tích cực chăm sóc, cây trồng phát triển tốt. Ngoài ra, nhóm đỡ đầu còn trao 18 chiếc xe đạp cho học sinh đến trường; hàng năm dành khoảng 40 triệu đồng để mua quà thăm hỏi, động viên các hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn xã vào các dịp lễ, Tết.
Được biết, năm 2016, các nhóm đã huy động được hơn 3,67 tỷ đồng. Trong số đó, gần 2,7 tỷ đồng được dùng để mua gần 4.000 suất quà trao cho các hộ ĐBDTTS vào dịp lễ, Tết Nguyên đán. Những suất quà chủ yếu là nhu yếu phẩm mang theo tình cảm của người “miền xuôi” đến với người “miền ngược”, giúp ĐBDTTS còn nhiều khó khăn có được cái Tết ấm cúng, đủ đầy hơn. Năm 2017, với kinh phí huy động được hơn 6 tỷ đồng, các nhóm đã dành hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ hàng chục hộ trồng bưởi da xanh về giống, vật tư nông nghiệp; xây dựng hàng chục mô hình sản xuất; đồng thời hỗ trợ xây 24 ngôi nhà, trao 40 xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phụng dưỡng 1 gia đình chính sách, 9 cháu mồ côi... với tổng trị giá hơn 3,1 tỷ đồng. Năm 2018, với kinh phí huy động hơn 7,1 tỷ đồng, các nhóm đã dùng hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình trồng bưởi, nuôi bò, xây dựng nhà ở, sửa chữa đường giao thông và các hoạt động trợ giúp học sinh đến trường, chăm sóc y tế cho người già…
Lan tỏa
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 71.000 người DTTS, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS là 53,72%, hộ cận nghèo 14,19%. Từ năm 2016 - 2018, các nhóm cơ quan, đơn vị đã huy động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ ĐBDTTS của 36 xã với tổng kinh phí hơn 16,8 tỷ đồng. |
Theo ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, với mục tiêu huy động nhiều hơn nữa nguồn lực từ xã hội để chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của ĐBDTTS, quyết sách của UBND tỉnh đã có sức lan tỏa lớn. Ngoài việc hỗ trợ theo nhóm, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn huy động nguồn lực hỗ trợ thêm. Chẳng hạn như nhóm Văn phòng Tỉnh ủy đã vận động Công ty Xăng dầu Phú Khánh xây và trao 10 nhà Đại đoàn kết cho 10 hộ ĐBDTTS xã Thành Sơn với tổng trị giá 500 triệu đồng; vận động Công ty Cổ phần Vinpearl Land tặng 15 bộ máy tính cho Trường THCS Thành Sơn với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư VCN ngoài việc tham gia cùng nhóm hỗ trợ còn hỗ trợ thêm 1 tỷ đồng sửa chữa, khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 12 năm 2017 và mua sắm một số trang thiết bị dạy học cho Trường THCS xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh. Nhóm cơ quan, đơn vị Văn phòng UBND tỉnh vận động các doanh nghiệp ngoài nhóm hỗ trợ hơn 373 triệu đồng. Nhóm cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vận động hỗ trợ xây dựng 66 căn nhà, sửa chữa 4 công trình dân sinh, khám chữa bệnh với kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng…
Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Tuấn, thực tế vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực tham gia, một số nhóm vận động chưa được nhiều, hình thức hỗ trợ chưa đa dạng, chủ yếu là thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết nên chưa tác động nhiều đến việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của các hộ ĐBDTTS. Ngoài ra, ý thức tự vươn lên của một số hộ ĐBDTTS một số nơi còn hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị. Đây là những vấn đề cần được tập trung cải thiện trong thời gian tới.
Theo Báo Khánh Hòa