Sau giai đoạn phát triển giao thông vào các khu vực sản xuất gần, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang hướng tới phát triển giao thông vào các vùng sản xuất xa hơn.
Thiếu đường kiên cố
Những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã đầu tư nhiều tuyến đường đi vào các khu sản xuất, nhưng với nguồn vốn hạn chế, các tuyến chỉ dừng lại với chiều dài 3 - 4km cách khu trung tâm. Hiện nay, nhu cầu sản xuất rất lớn, các khu vực sản xuất gần cơ bản đã phủ kín keo và cây ăn quả, vườn tược, người dân đang có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất. Tuy nhiên, các tuyến giao thông vào các khu vực xa gặp nhiều khó khăn, vì hầu hết là đường đất, giao thông không thuận tiện.
Khánh Thượng, một trong những xã cánh Tây huyện, có nhu cầu này rất cao. Đi vào khu vực Gia Bí - khu vực sản xuất rộng hàng trăm héc-ta của thôn Tà Gộc, chúng tôi càng hiểu khó khăn của người dân nơi đây. Từ UBND xã vào hết khu vực láng nhựa dài 3km, đi tiếp đoạn bê tông khoảng 2km nữa là đến con đường đất. Tuy là đoạn đường xe máy có thể đi được nhưng rất khó đi vì nhiều đoạn bị lầy, dốc, đá lởm chởm. Trên tuyến đường, thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp người dân phải thồ nông sản qua hàng kilomet rất vất vả. Một người dân cho hay, canh tác tại khu vực này không hiệu quả vì không có đường giao thông, 1ha keo thương lái chỉ trả bằng 1/4 - 1/5 giá trị so với khu vực có đường ô tô thuận tiện.
|
Ông Pi Năng Cội - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết, hiện nay, việc đầu tư các tuyến đường vào khu sản xuất xa rất nan giải bởi thiếu vốn. Các khu vực Gia Bí (thôn Tà Gộc), Thác Hòm (thôn Suối Cát) còn nhiều đất sản xuất nhưng chưa phát huy hiệu quả do thiếu đường giao thông kiên cố. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của huyện giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư cho giao thông còn hạn chế. Năm 2018, nguồn vốn đủ nâng cấp tuyến đường vào nghĩa trang thôn Trang, kinh phí 694 triệu đồng. Năm 2019, dự kiến xây dựng các tuyến đi vào Thác Hòm giai đoạn 3, 4 và các tuyến đến sông Mấu. Năm 2020, dự kiến sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đi vào vùng sản xuất xa như: suối Cà Đá, sông Mấu nối sông Cái, tuy nhiên không biết nguồn vốn có bố trí được hay không.
Tại xã Liên Sang, người dân mong Nhà nước đầu tư nối dài con đường từ cầu Cà Lung tới xã Khánh Thành dài hơn 8km, hiện nay chỉ mới đầu tư được 1,8km. Đây là con đường chiến lược đi vào khu vực trồng lúa nước Chà Liên. Khu vực này rộng hàng trăm héc-ta, bạt ngàn mì, keo, điều, lúa…, nhưng chỉ có một số tuyến nhánh mới được đầu tư vài đoạn. Theo ông Ngô Đình Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sang, nhu cầu đường giao thông vào các khu sản xuất xa rất lớn để phát huy tiềm năng các vùng đất. Thời gian qua, chỉ có một số tuyến được thi công như: Suối Cau, Suối Cọp, Ba Cua, Gia Nghóe nhưng còn khiêm tốn, trong khi chiều dài đi vào từng khu vực sản xuất xa từ 5 đến 10km. Địa phương đang đề nghị các cấp quan tâm hỗ trợ, bởi vốn nông thôn mới 2 năm nay không được bố trí, nếu có cũng chỉ tập trung hoàn thành các tiêu chí khác.
Tranh thủ các nguồn vốn
Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh có chủ trương đầu tư các tuyến giao thông vào khu vực xa để không chỉ khai thác tiềm năng, thế mạnh mà còn giải quyết nhu cầu sản xuất của người dân sau khi bóc tách đất, đồng thời mở rộng các vùng sản xuất truyền thống. Năm 2017, toàn huyện đã đầu tư 47 tuyến đường với tổng chiều dài gần 20km, trong đó làm mới hơn 5km, nâng cấp hơn 14km. Tuy nhiên, so với yêu cầu chỉ là “muối bỏ biển”.
Ông Phạm Đức Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Khánh Vĩnh cho biết, 2 năm gần đây, việc đầu tư xây dựng giao thông trên địa bàn chủ yếu là nâng cấp, cứng hóa các tuyến đường giao thông nội đồng, đi vào khu sản xuất. Thời gian tới, huyện tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên để nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường bị xuống cấp. Riêng nguồn kinh phí của huyện đến nay không đủ cân đối do bị cắt giảm vốn phân bổ từ cấp trên và nguồn vốn đầu tư công trung hạn của huyện tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 12 (năm 2017). Việc đầu tư giao thông vào khu sản xuất không chỉ nhu cầu riêng cho 2 xã Liên Sang và Khánh Thượng mà là nhu cầu của toàn huyện. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã lập danh mục các dự án đường giao thông đi vào khu sản xuất tại các địa phương từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi và Chương trình 135 gồm: 44 công trình, tổng nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến cấp thiết chưa cân đối được vốn như tuyến Khánh Thành - Liên Sang - Khánh Thượng. Nếu bố trí được các nguồn vốn này thì hy vọng việc xây dựng đường đi vào các khu vực sản xuất xa sẽ được triển khai, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển cơ bản của người dân.
Theo Báo Khánh Hòa