Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hộ trên địa bàn huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Phát huy nguồn vốn
Gia đình ông Nguyễn Quốc Khánh (xã Diên Xuân) vốn là hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông cải tạo vườn tạp, trồng keo. Sau khi thoát nghèo năm 2016, ông Khánh tiếp tục vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của xã để trồng bưởi da xanh. Khi mô hình sản xuất của gia đình ông cho thu hoạch lần đầu đạt hiệu quả, ông được Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh cho vay thêm 40 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, vườn bưởi da xanh rộng hơn 1ha của gia đình ông đã có khoảng 350 gốc cho thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, vườn bưởi đã đem lại nguồn thu gần 150 triệu đồng, giúp gia đình ông Khánh ổn định cuộc sống. Không chỉ phát huy được nguồn vốn vay, ông Khánh còn tích cực trao đổi kinh nghiệm cho các hội viên khác đang thực hiện chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp sang trồng bưởi da xanh. Hiện nay, ông Khánh là Tổ trưởng Tổ liên kết trồng bưởi da xanh của xã với 12 thành viên.

Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình ông Vũ Hiếu Bá (xã Suối Hiệp) đã gây dựng, phát triển trại heo của gia đình.
|
Cơn bão số 12 năm 2017 đã làm cho chuồng heo của gia đình ông Vũ Hiếu Bá (thôn Vĩnh Cát, xã Suối Hiệp) bị sập hoàn toàn, gần chục con heo nái bị chết. Trong khi đó, nguồn thu nhập chính của gia đình ông chỉ trông chờ vào việc nuôi heo. Ông Bá thuộc diện người có công với cách mạng, không có khả năng lao động nên gia đình ông rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nắm được hoàn cảnh của gia đình ông Bá, đầu năm 2018, Hội Nông dân xã Suối Hiệp đã sử dụng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho gia đình ông vay 30 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, tái đàn. Trước đó, ông Bá cũng được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân xã. Đến nay, gia đình ông đã có đàn heo nái hơn chục con và đàn heo thịt cho thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Ông Phạm Truyền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Hiệp cho biết, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của xã gần 300 triệu đồng đã hỗ trợ cho hơn 20 lượt hội viên vay phát triển sản xuất. Đến nay, các hội viên đều phát huy được nguồn vốn vay, tăng thu nhập cho gia đình.
Chuyển Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp xã về huyện quản lý
Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện, đến cuối năm 2018, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện có 4,7 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có vốn Trung ương ủy thác 2 tỷ đồng, vốn tỉnh 1,7 tỷ đồng. Trong quý I, Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện đã phát triển thêm hơn 400 triệu đồng. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội Nông dân huyện đã triển khai cho hàng trăm nông dân vay vốn (57 hộ vay vốn Trung ương, 52 hộ vay vốn tỉnh, 91 hộ vay vốn huyện và 221 hộ vay vốn cấp xã). Ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diên Khánh cho biết, với thủ tục đơn giản, phí thấp, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu vốn cho hội viên. Các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình. Trong đó, có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như: trồng bưởi da xanh ở xã Diên Xuân, trồng nấm rơm ở xã Diên Bình, trồng ngò gai ở xã Diên Phú, chăn nuôi heo ở xã Suối Hiệp…
Theo điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, quỹ hiện chỉ còn 3 cấp là Trung ương, tỉnh và huyện (cấp huyện trực tiếp quản lý cấp cơ sở). Đến nay, công tác chuyển đổi quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp xã về cho huyện
đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định. Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện, việc chuyển đổi góp phần quản lý nguồn vốn chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc này cũng tạo khối lượng công việc lớn hơn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện. Do đó, Hội Nông dân huyện đang rà soát, chỉ đạo cơ sở tham mưu kiện toàn Ban vận động và Ban quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, hội cũng thường xuyên kiểm tra Quỹ Hỗ trợ nông dân tại 19/19 cơ sở hội, kiểm tra sử dụng vốn của các hộ vay để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng vốn vay.
Theo Báo Khánh Hòa