Sau gần 2 năm thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, huyện Khánh Sơn đã chuyển đổi được 601ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Chính sách hợp lòng dân
Năm 2017, gia đình bà Cao Thị Lệ Hiền (thôn Liên Bình, xã Sơn Bình) đăng ký thực hiện chuyển đổi 5 sào đất (trước đây trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả) sang trồng sầu riêng theo Quyết định 661 của UBND tỉnh. Theo quy định, bà được hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, 30% tiền lắp đặt hệ thống tưới tiêu, còn lại do gia đình tự đầu tư. Đến nay, diện tích sầu riêng của gia đình bà phát triển khá tốt, tỷ lệ cây sống đạt 100%.
|
Gia đình ông Cao Văn Nhiên (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) có gần 1ha đất sản xuất ngay cạnh nhà, những năm trước chỉ canh tác các loại cây ngắn ngày như: bắp, mì... hiệu quả kinh tế không cao nên không thể thoát nghèo. Năm 2017, gia đình ông được hỗ trợ trồng 120 cây bưởi da xanh; năm 2018, ông tiếp tục được hỗ trợ trồng 4 sào sầu riêng theo Quyết định 1609. “Ngoài vốn hỗ trợ của Nhà nước, tôi còn bỏ thêm tiền để mua cây giống sầu riêng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hệ thống tưới tiêu. Đây là cơ hội để gia đình tôi thoát nghèo nên chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc cây trồng thật tốt”, ông Nhiên chia sẻ.
Trong 2 năm 2017 - 2018, người dân thị trấn Tô Hạp đã chuyển đổi khoảng 100ha sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, mía tím. Theo ông Trần Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh rất có ý nghĩa đối với địa phương, tạo động lực rất lớn để người dân tự vươn lên cải thiện đời sống, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Một số hộ trong quá trình chăm sóc có một vài cây bị chết, sau đó, họ đã chủ động mua thêm cây giống về trồng.
Sau gần 2 năm thực hiện Quyết định 661 và Quyết định 1609, huyện Khánh Sơn đã chuyển đổi được 601ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trong đó, số hộ nghèo và cận nghèo tham gia thực hiện là 506 hộ. Nhìn chung, hầu hết những diện tích được chuyển đổi đang phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%. Đối với những hộ đồng bào DTTS, hộ người Kinh nghèo không có khả năng đối ứng, ngoài kinh phí của tỉnh hỗ trợ 50% tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ 50% còn lại bằng ngân sách địa phương cho những hộ trồng chôm chôm và bưởi da xanh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khánh Sơn là một trong những địa phương thực hiện khá tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn.
Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Trên thực tế, vẫn còn nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong việc đối ứng nguồn vốn 50% tiền mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 70% tiền lắp đặt hệ thống tưới, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới còn bất cập nên đến nay các xã, thị trấn chưa thanh toán được; kinh phí dành cho đội ngũ cán bộ quản lý thực hiện chính sách tại các xã, thị trấn không có. Do hầu hết các khu vực sản xuất tại các xã, thị trấn có quy mô nhỏ nên không đủ điều kiện hình thành mô hình theo tiêu chuẩn VietGap và áp dụng kỹ thuật canh tác bằng công nghệ cao.
Mặt khác, có nhiều hộ gia đình muốn đăng ký tham gia chuyển đổi cây trồng, nhưng vướng diện tích đất lâm nghiệp, chưa chuyển đổi sang đất nông nghiệp nên không thực hiện được. “Gọi là đất lâm nghiệp nhưng thực tế nhiều diện tích gần nguồn nước tưới, rất thuận lợi để phát triển cây nông nghiệp, một số khu vực người dân đã trồng cây ăn quả và phát triển rất tốt. Tuy nhiên, do người dân chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng đất nên không thực hiện được. Đối với những trường hợp này, huyện đang gặp khó khăn, chưa có hướng giải quyết”, ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Khánh Sơn mới đây, ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tỷ lệ phần trăm đối ứng nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thưc vật và hệ thống tưới tiêu là quy định chung trên địa bàn toàn tỉnh chứ không phân biệt hộ nghèo, cận nghèo hay hộ đồng bào DTTS. “Nguồn kinh phí của Quyết định 1609 bao nhiêu thì tận dụng tối đa. Bên cạnh đó, địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn xã hội hóa hoặc nguồn vốn từ các chương trình khác. Như vậy sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn về nguồn lực cho người dân. Còn đối với đất lâm nghiệp, năm 2012, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1149 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh Khánh Hòa, trong đó quy hoạch bổ sung diện tích 3 loại rừng: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nếu những khu vực nào nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng trên thì địa phương thực hiện chuyển đổi cho người dân”, ông Ninh nói. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, sẽ trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chi phí quản lý cho cán bộ các xã, thị trấn và việc đơn giản hóa thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ 30% cho người dân lắp đặt hệ thống tưới tiêu.
Căn cứ nhu cầu thực tế của các xã, thị trấn, dự kiến năm 2019, huyện Khánh Sơn tiếp tục chuyển đổi trên 324ha cây trồng các loại. Hiện nay, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát nhu cầu chuyển đổi của người dân để bổ sung vào kế hoạch trong 2 năm 2019 -2020.
Theo Báo Khánh Hòa