Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong triển khai thực hiện Nghị quyết trên, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển của Trung ương, trong đó nổi bật là việc ban hành một số cơ chế đặc thù, phân cấp rõ mức hỗ trợ đầu tư của ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã và huy động nguồn lực trong Nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; các chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập của người dân nông thôn... Trong quá trình chỉ đạo, điều hành thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để viêc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương tại các địa phương đúng định hướng, đạt hiệu quả cao.
Nhìn chung, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), nông nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, bộ mặt vùng nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Cụ thể:
Về nông nghiệp, đã định hình được một số cây trồng có lợi thế cao và từng bước hình thành những vùng sản xuất lớn như: sầu riêng ở Khánh Sơn, bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh, cây tỏi Vạn Ninh, xoài ở Cam Lâm, ..., xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap; đồng thời hình thành và phát triển hệ thống tiêu thụ nông sản an toàn để chủ động cung ứng cho các khu đô thị, khu du lịch, siêu thị, nhà hàng. Chăn nuôi đã phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, từng bước dịch chuyển về vùng nông thôn, trong đó: tổng đàn gia cầm hiện nay đạt gần 03 triệu con, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2008; đàn lợn đạt trên 166 nghìn con tăng hơn 1,5 lần so năm 2008; đàn bò đạt gần 84.000 con, tương đương tổng đàn năm 2008, nhưng chất lượng đàn bò tăng lên đáng kể; riêng chim yến tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển vùng nuôi và hiện nay đã phát triển trên 115 nhà nuôi yến. Thủy sản được xác định là lĩnh vực tiềm năng, đến nay vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cả về nuôi trồng lẫn khai thác và chế biến thủy sản, trong đó: diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định từ 4.700 - 5.800 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm 2017 đạt trên 12.500 tấn, sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2017 đạt hơn 95.000 tấn. Lâm nghiệp tiếp tục thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho người dân tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện, nâng cao thu nhập, đời sống; làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng lên 50%. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, hình thành một số khu công nghiệp trọng điểm ở nông thôn (Cụm Công nghiệp Diên Phú - Đắc Lộc, Khu Công nghiệp Trảng É,...), hiện nay có 8.692 cơ sở sản xuất, kinh doanh về ngành nghề nông thôn (năm 2008 toàn tỉnh có 4.932 cơ sở), tạo việc làm thường xuyên cho hơn 27.311 lao động, với mức thu nhập bình quân 3,0 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Chăn Nuôi Nhật Minh điển hình trong ứng dụng công nghệ cao phát triển chăn nuôi công nghiệp
được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen
Về nông dân, các mục tiêu giảm nghèo luôn được xác định trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được thực hiện lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài giải pháp về hỗ trợ sản xuất, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo như: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đáng kể (hiện nay tỉnh không còn hộ đói). Kết quả giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2008 - 2015 đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, năm 2016 - 2017, do chuẩn nghèo tiếp cận theo phương pháp đo lường đa chiều và đo lường theo các mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin..., nên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2015 lên đến 9,68%; cuối năm 2017 giảm còn 6,54% với 19.142 hộ nghèo.
Về nông thôn, đến nay 100% hộ dân nông thôn được sử dụng điện, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, phát triển đường ô tô (bê tông hoặc nhựa) liên xã đạt trên 50% ở vùng miền núi và trên 95% ở vùng đồng bằng, trên 94% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Về Y tế, hệ thống khám chữa bệnh của tỉnh bao gồm 08 bệnh viện tuyến tỉnh (01 bệnh viện đa khoa hạng I; 02 bệnh viện đa khoa khu vực hạng II và 05 bệnh viện chuyên khoa); tuyến huyện có 08 trung tâm y tế; tuyến xã, phường có 137 trạm y tế (không tính huyện Trường Sa), đến nay 100% trạm y tế xã có bác sỹ, hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi và hơn 500 cán bộ y tế thôn. Về giáo dục, hệ thống, quy mô mạng lưới trường lớp được củng cố, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, khoảng cách chênh lệch về chất lượng, hiệu quả giáo dục ở vùng nông thôn so với thành thị đã được rút ngắn, tạo sự công bằng trong giáo dục giữa các vùng, miền, góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập” đã được Chính phủ đề ra, hiện nay 100% xã xây dựng nông thôn mới có trường mẫu giáo/mầm non, 100% xã có trường tiểu học; 72% xã có trường trung học cơ sở, 7% xã có trường trung học phổ thông. Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo/mầm non đạt 53,54%; có trường tiểu học đạt 37,37%; có trường THCS đạt 5,05% (cao hơn cả nước tỷ lệ 2%).
Về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2011 - 2015 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2020 xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong 4 chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Do đó, từ năm 2011 đến nay tỉnh đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các chương trình, đề án nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đề ra, hiện nay toàn tỉnh có 35/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia (chiếm tỷ lệ 37,2%) cao hơn cả nước (34,3%); 2/94 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (chiếm 2,1% tổng số xã); 24/94 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (chiếm 25,5%); 32/94 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (chiếm 34,1%); 01 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 1,1%, là xã Cam Thịnh Tây). Tiêu chí bình quân chung của toàn tỉnh là 12,5 tiêu chí/xã.
Về cơ chế, chính sách, tỉnh đã ban hành các nghị quyết và quyết định có liên quan để huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, theo từng giai đoạn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Giai đoạn từ năm 2008 - 2018, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông thôn trên 7.370 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của người dân hơn 44,2 tỷ đồng; nguồn lực huy động từ ngân sách Nhà nước chủ yếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, còn lại chi cho công tác quy hoạch, đào tạo nghề lao động nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung vào các chương trình (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội miền núi, phát triển nhân lực, chương trình 134, 135, kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn). Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 4/2018 đạt 16.781 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh và gấp 9,24 lần năm 2008.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, chưa chuyển biến mạnh; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa bảo đảm theo yêu cầu; nhận thức của một số cán bộ và người dân về các vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế, vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước; việc lồng ghép đầu tư các chương trình, dự án có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa hướng đến mục tiêu chung; huy động nguồn vốn từ nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Chính vì vậy, một số chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 31/10/2008 của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) vẫn chưa đạt, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng đến nay chỉ đạt xấp xỉ 3% (mục tiêu đề ra đến năm 2020 đạt từ 3,5-4%). Lao động nông nghiệp đến nay đạt 39,46%, phải phấn đấu để đạt mục tiêu 10% vào năm 2020. Lao động nông thôn qua đào tạo đến nay chỉ mới đạt 31,68% (mục tiêu đề ra đến năm 2020 đạt 50%).
Các cá nhân, tập thể được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQTW7
Vì vậy, để tỉnh Khánh Hòa đạt cao nhất các mục tiêu đề ra về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2025 và 2030, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) vừa qua đã thống nhất xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt xấp xỉ 3%/năm. Thực hiện tốt công tác phát triển rừng bảo vệ môi trường phục vụ cho du lịch sinh thái, bảo đảm nâng độ che phủ rừng đạt trên 55% sau năm 2030; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay. Tiếp tục phát triển và nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, để bảo đảm gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và đô thị hóa khi Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, bảo đảm đến năm 2025 tỉnh có 78/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung của toàn tỉnh là 18,4 tiêu chí/xã (có thêm 03 huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm đạt chuẩn nông thôn mới), đến năm 2030 có 94/94 xã đạt xã nông thôn mới.
Các cấp, các ngành tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong toàn hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung đổi mới, đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại; phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; phát triển khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp...
Kiều Lý - Văn phòng Tỉnh ủy