Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), đầu năm 2016, toàn tỉnh Khánh Hòa có 27.392 hộ nghèo (9,68%). Đến cuối năm 2016, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 21.397 hộ (7,44%), không có hộ tái nghèo. Cuối năm 2017, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 19.142 hộ (6,54%), trong đó có 226 hộ tái nghèo; số hộ tái nghèo cao vì năm 2017 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do Bão số 12 gây ra, trong đó nhiều hộ mới nghèo trong năm 2016, bị thiệt hại về nhà ở, cây trồng, vật nuôi...; các hộ tái nghèo phần lớn là ở các địa phương chịu thiệt hại nặng nề của Bão 12 và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2018, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 15.035 hộ (4,95%). Trong năm 2018, các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở và cây trồng, vật nuôi do Bão số 12 gây ra đã được hỗ trợ khắc phục thiệt hại và bắt đầu khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình để cố gắng vươn lên thoát nghèo. Qua kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 23 hộ tái nghèo, chủ yếu là các hộ có thành viên bị tai nạn, rủi ro, bệnh tật hiểm nghèo, làm ăn thua lỗ.
Nhờ kênh tín dụng hộ cận nghèo, các hộ đồng bào có vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Ảnh minh họa
Thực hiện Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại giao ban quý III năm 2018 với các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh (tại Thông báo số 423-TB/TU, ngày 19/10/2018), Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai đạt hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hạn chế và ngăn chặn nguy cơ tái nghèo, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
- Tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức, nhất là người nghèo, đồng bào dân thộc thiểu số nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo; tiếp cận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo; từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, không chịu vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra khi có bão, lũ.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; Đề án giảm nghèo giai đoạn 2018 - 2020 của 02 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh sau khi được phê duyệt. Lồng ghép các hoạt động của Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình 135 để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Lồng ghép hoạt động hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình tiến đến thoát nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác khuyến nông-lâm-ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo dễ tiếp cận và tham gia. Thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động nhằm mục đích giảm nghèo bền vững.
- Đẩy mạnh hoạt động đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, các chương trình, dự án về giảm nghèo; đặc biệt là hoạt động điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo cuộc rà soát được thực hiện công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể và người dân, kết quả rà soát phải phản ánh chính xác thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nguyên Lộc, Văn phòng Tỉnh ủy