Đó là một trong những điểm mới của Đề án “Tiếp tục đổi mới, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020” vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.
Cần phải thay đổi
Tháng 10-2016, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020”. Đề án phấn đấu đến năm 2020, có 70% hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xếp loại khá, tốt, có liên kết tiêu thụ; 100% cán bộ HTX nông nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn; 50% thành viên hiểu rõ bản chất của HTX kiểu mới.
|
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của cán bộ nhà nước, lãnh đạo HTX và các thành viên về kinh tế tập thể, đề án còn đưa ra các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX như: Hỗ trợ vay vốn và lãi suất vốn vay; chính sách đất đai; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại; chế biến sản phẩm; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ thành lập, tổ chức lại hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, giải thể... các HTX.
Từ khi triển khai đề án đến nay, đã có 1.600 thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể được tuyên truyền Luật HTX. Cơ quan chuyên môn cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới 27 HTX; hỗ trợ xây dựng dự án sản xuất lúa nguyên liệu chất lượng cao cho 1 HTX; xây dựng dự án mua máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 2 HTX; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đối với 5 HTX; 5 HTX được hỗ trợ lao động làm việc có thời hạn tại HTX.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh kết quả trên, một số giải pháp về vốn, đất đai, kết cấu hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ ban đầu và xây dựng mô hình liên kết sản xuất chưa phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến việc triển khai đề án còn nhiều hạn chế. Đồng thời, những năm gần đây, các chính sách về hỗ trợ kinh tế tập thể có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như năm 2018 Chính phủ có Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 và Nghị định số 98 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các địa phương, sở, ngành liên quan, ngày 16-9-2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Tiếp tục đổi mới, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020” nhằm bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Tạo đòn bẩy cho kinh tế hợp tác
Tính đến tháng 6-2019, toàn tỉnh có 106 HTX nông nghiệp. Trong đó, có 90 HTX đang hoạt động, 16 HTX ngừng hoạt động. Theo đề án cũ, đối với các HTX ngừng hoạt động nhiều năm phải kiên quyết giải thể, nhưng không đưa ra thời hạn cụ thể để các HTX này giải thể hay chuyển đổi hình thức hoạt động. Đề án mới yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch giải thể bắt buộc đối với các HTX không hoạt động trong 12 tháng liên tục. Các địa phương phải hoàn tất việc xây dựng kế hoạch giải thể 16 HTX không hoạt động nói trên trong năm 2019.
Đề án mới cũng tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo HTX về quản lý điều hành tổ chức kinh tế HTX phát triển. Ngoài ra, chính sách được nhiều HTX quan tâm, đó là việc vay vốn không có tài sản đảm bảo đã được thay đổi, chỉnh sửa mang tính khả thi hơn. Theo đó, các HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, ngoài phương án, dự án kinh doanh khả thi, còn được phép nộp kèm thêm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy xác nhận của UBND xã về việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để nâng cao khả năng được vay vốn.
Một nội dung được đề án mới nhấn mạnh, đó là vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đề án cũ tập trung khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của các HTX nông nghiệp; khảo sát học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ở các tỉnh bạn; hỗ trợ liên kết xây dựng cánh đồng lớn. Đề án mới bãi bỏ các nội dung này, thay vào đó là các chính sách sát sườn hơn theo Nghị định 98 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp và nông dân cùng thỏa thuận lựa chọn các hình thức liên kết. Doanh nghiệp chủ trì liên kết được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết; dự án liên kết được Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ cho cả 2 bên giống, vật tư, bao bì, nhãn mác, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, đào tạo nghề....
Đề án mới đã bãi bỏ khá nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế, chẳng hạn như: Chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại; hỗ trợ vốn, giống khi gặp thiên tai dịch bệnh... vì trùng lắp với các chính sách khác; đồng thời, bãi bỏ một số nội dung không còn phù hợp với quy định mới. Tổng kinh phí để thực hiện đề án hơn 44,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 30 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức, doanh nghiệp, HTX.
Theo Báo Khánh Hòa