Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Khánh Hòa ngày càng được chú trọng, góp phần quan trọng trong giải quyết việc việc làm, tăng thu nhập của người lao động ở khu vực nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng lao động, phục vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số khó khăn, cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả cũng như chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động, định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Kết quả đạt được
Triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tỉnh Khánh Hòa" (Đề án này tiếp tục được điều chỉnh và bổ sung năm 2013). Đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả tích cực, cụ thể:
Giai đoạn 2010-2015, tỉnh Khánh Hòa đào tạo nghề cho khoảng 94.450 lao động, với kinh phí là 31.704 triệu đồng. Trong đó, đã đào tạo nghề cho 16.833 lao động nông thôn, với kinh phí là 27.636 triệu đồng; đào tạo bồi dưỡng cho 2.268 cán bộ công chức cấp xã với kinh phí 4.079 triệu đồng. Số lao động nông thôn học xong làm đúng ngành nghề đào tạo là 14.826 người, tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 88,1%, trong đó 4.072 người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 921 người được doanh nghiệp đơn vị bao tiêu sản phẩm; 9.757 người tự tạo việc làm. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh Khánh Hòa đã đào tạo nghề cho 8.557 lao động nông thôn, với kinh phí là 16.580 triệu đồng, bao gồm: 1.980 lao động động nông thôn thuộc nhóm đối tượng 1; 543 lao động nông thôn thuộc nhóm đối tượng 2; 5.940 người thuộc nhóm đối tượng 3; đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.145 lao động nông thôn; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 5.770 lao động nông thôn; đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá cho 642 người. Số lao động nông thôn học xong làm đúng ngành nghề đào tạo là 7.573 người. Tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 93,4%, trong đó 2.424 người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 241 người đươc doanh nghiệp đơn vị bao tiêu sản phẩm; 4.862 người tự tạo việc làm.
Các ngành, các địa phương của tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, đưa ra nhiều mô hình dạy nghề và hình thức dạy nghề phù hợp. Một số mô hình điển hình, phát huy trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Mô hình “Đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng nghiệp vụ thuyền viên, thợ máy tàu cá tỉnh Khánh Hòa" giúp học viên sau học nghề tiếp tục bám biển làm nghề, tăng hiệu quả đánh bắt hải sản và làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Mô hình nông nghiệp dạy nghề nuôi gà thả vườn tại xã Diên Thọ và xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, sau học nghề các học viên phát huy được nghề đã học tổ chức nuôi gà với quy mô lớn, tự tạo việc làm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống gia đình. Tại huyện Vạn Ninh tổ chức đào tạo học viên nghề bóc tách hạt điều cho Công ty TNHH Chế biến Hạt điều Sao Việt, lao động sau học nghề đã được doanh nghiệp tiếp nhận 100% vào làm việc với mức lương ổn định. Mô hình đào tạo nghề trồng nấm tại thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh và mô hình doanh nghiệp trực tiếp tổ chức đào tạo lao động nông thôn và tuyển dụng lao động vào làm việc tại doanh nghiệp cũng phát huy hiệu quả tích cực,...
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. (Ảnh minh họa)
Toàn tỉnh hiện có tổng số 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 04 Trường Cao đẳng; 12 Trường Trung cấp; 05 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 02 cơ sở giáo dục đại học tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng và 27 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên đều tham gia đào tạo và thực hiện các chính sách của nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có lao động nông thôn. Các ngành, địa phương ưu tiên ký hợp đồng đào tạo nghề với cơ sở đào tạo có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, làng nghề trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm hoặc doanh nghiệp trực tiếp đào tạo để tuyển dụng lao động vào làm việc; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn; ưu tiên phát triển những ngành nghề mới, nhất là nghề phục vụ thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Nhìn chung, việc thực hiện Đề án đã giúp giải quyết được việc làm phù hợp cho nhiều đối tượng lao động nông thôn ở các địa phương, quan trọng hơn, qua đào tạo nghề giúp lao động nông thôn có thêm những kiến thức mới về hội nhập kinh tế, kiến thức về khởi nghiệp, về cách ứng xử với môi trường (sử dụng công nghệ sạch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường) vì mục tiêu phát triển bền vững. Các cơ sở dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà còn tư vấn, hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm “đầu ra” sản phẩm hoặc tiếp nhận lao động sau khi học nghề, từ đó, giúp lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống và từng bước thoát nghèo bền vững, đảm bảo công tác an sinh xã hội của tỉnh. Đến nay, số lượng xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí về “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” theo Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2018 là: Năm 2016: 54/94 xã; năm 2017 và 2018: 80/94 xã.
Những khó khăn trong công tác đào tạo nghề
Trên thực tế, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Trình độ lao động nông thôn còn thấp, chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề chưa đồng đều; việc tìm giáo viên dạy nghề phù hợp điều kiện cụ thể với từng địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp của cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm còn hạn chế, nên một số học viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm. Còn nhiều lao động nông thôn không muốn học nghề mặc dù đã được tuyên truyền tư vấn (do còn có tâm lý tham gia lao động phổ thông có thu nhập ngay không phải tốn nhiều thời gian đi học nghề); một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn, nhất là ở các khu công nghiệp (may công nghiệp, chế biến thủy sản,...) nhưng điều kiện lao động với cường độ cao không quen với tập quán của lao động nông thôn, đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số nên sau khi được tuyển dụng, người lao động không gắn bó với doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân sách tỉnh, địa phương bố trí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo các ngành, nghề đào tạo cho lao động nông thôn còn hạn chế (do Khánh Hòa là một trong các tỉnh/thành của cả nước tự cân đối ngân sách để thực hiện) nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đào tạo nghề.
Một số giải pháp đề ra trong thời gian tới
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới, Tỉnh đã xác định một số giải pháp chủ yếu như sau: Tiếp tục tổ chức tuyên truyền về đào tạo nghề, học nghề đối với lao động nông thôn, nhất là vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho người học nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đào tạo nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và gắn kết với doanh nghiệp. Ưu tiên mở các lớp đào tạo nghề trên địa bàn các xã có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chưa đạt tiêu chí trong chuẩn xây dựng nông thôn mới về tỷ lệ đào tạo nghề. Trong đó, tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đề xuất bổ sung ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu thị trường lao động; đào tạo nghề theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; đào tạo nghề tại doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, thôn, bản, xã gắn đào tạo với liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới; không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học,...
Ngoài ra, Tỉnh cũng đã đề xuất Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tại các huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Quang Chính-VPTU