Do nhiều nguyên nhân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thời gian qua gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn từ các cấp chính quyền và nhân dân.
Nhiều khó khăn
Năm 2022, toàn tỉnh có 4 xã đăng ký đạt chuẩn NTM, gồm: Vạn Long (huyện Vạn Ninh), Ninh An, Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa), Diên Đồng (huyện Diên Khánh). Đến nay, xã Ninh An mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí. 2 xã Vạn Long và Diên Đồng, theo thẩm tra của cấp huyện đã đạt 19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp tỉnh thẩm định. Xã Ninh Thượng còn 2 tiêu chí chưa đạt là thông tin và truyền thông; quốc phòng và an ninh. Địa phương đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí này để trình UBND tỉnh xem xét.
|
Với 7 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm: Vạn Phú (Vạn Ninh), Ninh Đông, Ninh Phú (Ninh Hòa), Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang), Diên Phước, Diên Lạc (Diên Khánh) và Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh), đến nay, mới chỉ có xã Diên Phước và Diên Lạc theo xác định của UBND huyện Diên Khánh là đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ để trình cấp tỉnh thẩm định. 5 xã còn lại đang gặp những trở ngại. Đơn cử như xã Vĩnh Hiệp mới chỉ hoàn thành 9/19 tiêu chí và gần như không thể hoàn thành được mục tiêu trở thành xã NTM nâng cao trong năm nay. Trong đó, riêng tiêu chí số 13 - tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, theo xác định của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, xã Vĩnh Hiệp hiện nay gần như không còn quỹ đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung. Do đó, xã gần như không thể xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung để sản xuất nông sản chủ lực được cấp mã vùng, mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, có sản phẩm chủ lực được bán qua kênh thương mại điện tử… theo các yêu cầu, đòi hỏi của một xã NTM nâng cao.
Qua trao đổi với một số địa phương, các tiêu chí NTM nâng cao có nhiều chỉ tiêu mới, cần có thời gian và nguồn lực mới có thể đạt được. Chẳng hạn như chỉ tiêu “tối thiểu 50% hồ sơ giải quyết trực tuyến tại các xã”; “phải có 50% dân số trong độ tuổi lao động ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo và tối thiểu 80% dân số trong độ tuổi lao động đối với các xã còn lại sử dụng điện thoại thông minh”; “100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ”…
Tập trung tháo gỡ
Với những khó khăn nêu trên, UBND TP. Cam Ranh đề nghị tỉnh điều chỉnh lộ trình đạt chuẩn NTM nâng cao của xã Cam Thịnh Đông sang năm 2023; UBND thị xã Ninh Hòa đề nghị tỉnh điều chỉnh lộ trình đạt chuẩn NTM của xã Ninh An sang năm 2023. Trong khi đó, xã Vĩnh Hiệp (Nha Trang) cũng đang được định hướng phát triển theo chương trình đô thị.
Đối với 26 xã thuộc phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, thời gian qua, các xã này gần như đóng băng các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau khi các quy hoạch được duyệt, các địa phương mới có cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình NTM đối với các tiêu chí liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng. Trước mắt, UBND tỉnh đề nghị các địa phương tập trung hoàn thành những tiêu chí “mềm”. Với những tiêu chí có sự đầu tư xây dựng hạ tầng, các địa phương phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng danh mục đầu tư đảm bảo phù hợp với các quy hoạch trên địa bàn, không chồng chéo, lãng phí.
Tại cuộc họp về chương trình NTM mới đây, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được cấp vốn; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn theo quy định, hoàn thành trong quý I/2023. Đối với những tiêu chí, chỉ tiêu còn vướng mắc, các địa phương chủ động phối hợp với các sở, ngành tập trung giải quyết; rà soát lại toàn bộ xã đăng ký thực hiện xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023, mức độ đạt chuẩn đối với tất cả các xã tham gia chương trình, từ đó xác định nhu cầu đầu tư, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh nguồn lực xây dựng NTM phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đang tập trung tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình NTM tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 (đợt 2); tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình NTM năm 2023, báo cáo UBND tỉnh để lựa chọn xã đăng ký đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao năm 2023.
|
Theo https://baokhanhhoa.vn/phong-su/xay-dung-nong-thon-moi/202302/tap-trung-thao-go-vuong-mac-8276568/