Khi các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bưởi da xanh… khẳng định được giá trị tại huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thì những người từ các địa phương khác tìm đến mua đất lập vườn ngày càng nhiều. Và cơn sốt đất lập vườn đang để lại nhiều nỗi lo, nhất là việc giữ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
|
Lên núi tìm đất
Trong vai những người lên núi tìm mua đất để lập vườn cây ăn quả, chúng tôi đến khu vực rẫy sầu riêng của ông Đ.V.M. ở xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn). Ông M. từ Đồng Nai ra đây mua đất trồng sầu riêng từ năm 2010. Ngày đó, ông mua lại hơn 2ha đất sản xuất của các hộ ĐBDTTS tại địa phương, với giá 50 triệu đồng. Theo ông, hiện nay, những diện tích ở gần suối, gần đường giao thông không có để mua, chỉ những diện tích ở xa, không thuận lợi mới còn nhưng giá cũng tăng chóng mặt, lên đến hơn 400 - 500 triệu đồng/ha. “Tôi đang định quay về Đồng Nai sinh sống; vườn cây của tôi ít nhất phải 1,5 tỷ đồng/1ha tôi mới bán do giá đất đang cao, trong khi vườn sầu riêng của gia đình tôi đã cho thu hoạch”, ông M. nói.
Đến thôn Kô Róa (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn), khi chúng tôi đang hỏi thăm một người dân trong thôn về đất lập vườn thì gặp một tốp 4 người đi trên xe ô tô biển số tỉnh Lâm Đồng tìm đến. Một người tự xưng tên Quân từ huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho hay: “Chúng tôi nghe nói có nhiều hộ trong thôn đang có nhu cầu bán đất nên đến hỏi thăm, nếu thích hợp trồng cây ăn quả thì sẽ mua. Nếu mua được sẽ có hoa hồng cho người giới thiệu”. Nghe vậy, bà N.T.N. - người dân trong thôn nhanh nhảu: “Nếu các anh cần thì tôi sẽ dẫn đến nhà ông C.R.N. ở trong thôn đang có nhu cầu sang nhượng lại 3ha đất đồi, đã có 4 - 5 người hỏi mua nhưng ông N. vẫn chưa bán; giá ông ấy chấp nhận là 500 triệu đồng/ha”. Sau khi nghe bà N. giới thiệu về hiện trạng đất rất phù hợp để trồng sầu riêng, ông Quân tỏ ý chê đắt, bà N. liền nói: “Đất trồng cây ăn quả ở Khánh Sơn đã lên cơn sốt từ mấy năm nay. Do thôn Kô Róa nằm ở xa nên vẫn còn đất chứ ở các xã khác có tiền chưa chắc đã mua được”.
|
Không chỉ ở Khánh Sơn, khi cây bưởi da xanh khẳng định được vị trí của mình ở huyện miền núi Khánh Vĩnh thì ngày càng có nhiều người tìm đến địa phương này để mua đất trồng cây. Qua “thủ phủ” bưởi da xanh Khánh Đông, chúng tôi gặp rất nhiều vườn bưởi 1 - 2 năm tuổi. Những diện tích trồng keo trước đây đã được chuyển sang trồng bưởi. Bà N.T.H. (xã Khánh Đông) - người chuyên thu mua đất tại địa phương, cho biết: “Tôi mới mua được 3 đám đất ở xã Khánh Đông, thích hợp để trồng bưởi da xanh, nếu các anh mua tôi sẽ nhượng lại với giá từ 400 đến 500 triệu đồng/ha”. Hỏi chuyện một số hộ ở thôn Suối Thơm về 3 lô đất bà H. định bán, được biết, đó là đất trồng keo của một số hộ ĐBDTTS bán lại cho bà H., với giấy tay, chỉ có giá hơn 100 triệu đồng/ha. Ngoài ra, những lô đất này cũng đã có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng bà H. đợi giá cao mới bán.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái - Trưởng phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Khánh Sơn, tình trạng sốt đất trồng cây ăn quả trên địa bàn đã diễn ra mấy năm nay, giá đất đã tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước. Hiện nay, không chỉ người dân trong tỉnh mà nhiều người từ các nơi khác như: Quảng Ngãi, Lâm Đồng… cũng tìm đến Khánh Sơn để mua đất lập vườn. Tương tự, lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh cũng khẳng định, những năm gần đây, tình trạng sang nhượng đất lập vườn tại địa phương trở nên sôi động, do nhu cầu nhiều nên giá tăng cao. Các xã có tỷ lệ chuyển nhượng nhiều đất nông nghiệp như: Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Trung, Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp...
Những vấn đề đặt ra
Đằng sau cơn sốt đất lập vườn ở vùng cao đang xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo. Không chỉ phát triển cây ăn quả trên đất nông nghiệp, hiện nay, đang xuất hiện ngày càng nhiều vườn sầu riêng, bưởi da xanh ở trên đồi cao, xa nguồn nước, nhiều diện tích trong số đó được quy hoạch là đất lâm nghiệp. Đơn cử như tại xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn), chỉ trong vòng 1 năm đã có gần 27,5ha đất lâm nghiệp được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả. Tại Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, hiện đã có nhiều diện tích trồng keo trước đây được chuyển sang trồng bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho hay: “Điều chúng tôi lo nhất là việc chống hạn cho cây ăn quả trồng trên đất lâm nghiệp, nhất là ở những nơi xa nguồn nước. Thực tế, qua các đợt hạn hán, nhiều diện tích cây ăn quả ở độ dốc cao, xa nguồn nước đã bị thiệt hại nặng. Chủ trương của huyện là những diện tích ở trên đồi, dốc cao thì chỉ phát triển cây lâm nghiệp chứ không phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, bởi không chủ động được nước tưới, trong khi Nhà nước không thể đầu tư các công trình phục vụ sản xuất nằm ngoài quy hoạch”. Ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cũng cho biết: “Tại địa phương có nhiều diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp nhưng có độ dốc tương đối thấp, có nước nên người dân đã tận dụng để trồng cây ăn quả… Đối với diện tích này, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại những diện tích có khả năng sản xuất nông nghiệp để đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp”.
Một thực trạng khá bức xúc hiện nay là để có đất lập vườn hoặc sang nhượng cho hộ khác, không ít người dân đã lấn chiếm đất của các Ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ Khánh Sơn cho hay: “Những năm qua, chúng tôi đã rất vất vả trong việc đòi lại đất người dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép để trồng cây ăn quả. Chỉ tính riêng tại khu vực xã Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, đã có hàng trăm héc-ta bị lấn chiếm, trong đó khoảng 30% diện tích người dân tiến hành trồng cây ăn quả, cây công nghiệp”.
Những ngày ở các huyện miền núi tìm hiểu chuyện mua bán đất trồng cây ăn quả, chúng tôi được biết, phần lớn diện tích ấy đều có nguồn gốc của các hộ ĐBDTTS địa phương. Qua sang nhượng, mua bán nhiều lần và được người mua cuối cùng đầu tư trồng cây ăn quả. Trong số này, có diện tích được mua bán đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn có rất nhiều diện tích người dân tự thỏa thuận, sang nhượng với nhau bằng giấy viết tay hoặc lách bằng cách hợp đồng cho thuê đất hàng chục năm… Điều này khiến cho nhiều hộ ĐBDTTS không còn tư liệu sản xuất, quay lại làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Nguyên nhân của việc thiếu đất sản xuất của các hộ ĐBDTTS nghèo cũng xuất phát từ đây.
Giữ đất cho đồng bào
Trước vấn đề đáng lo nhất mà cơn sốt đất trồng cây ăn quả để lại là ĐBDTTS không còn đất sản xuất, huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh đã tập trung nhiều biện pháp để giữ đất cho đồng bào.
Ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Hiện nay, do nhận thấy hiệu quả kinh tế của các vườn cây ăn quả mang lại rất lớn nên nhiều hộ ĐBDTTS giữ đất để canh tác. Tuy nhiên, tại địa phương đang có hiện tượng hợp tác sản xuất giữa người Kinh và ĐBDTTS. Huyện đã chỉ đạo các địa phương lưu ý vấn đề này để đề phòng trường hợp sau khi hợp tác sản xuất người Kinh sẽ gạ gẫm mua đất của ĐBDTTS. Để giữ đất cho người dân, huyện Khánh Sơn nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức mua đất của các hộ ĐBDTTS; quản lý chặt việc sang nhượng đất của ĐBDTTS. Đối với đất bóc tách, giao cho hộ ĐBDTTS nghèo, thiếu đất sản xuất thì nghiêm cấm việc chuyển nhượng theo quy định; các địa phương còn ưu tiên cho các hộ này tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ đó giữ lại tư liệu sản xuất”.
|
Còn theo ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, để giữ đất cho ĐBDTTS, bên cạnh việc tuyên truyền các hộ không bán đất; đối với diện tích đất các hộ tự khai hoang khi sang nhượng các hộ ĐBDTTS phải có cam kết sau khi chuyển nhượng vẫn đủ đất để ở, đất canh tác và UBND cấp xã chứng thực nội dung này. Đối với diện tích đất Nhà nước giao thì nghiêm cấm chuyển nhượng theo quy định. Bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương định hướng sản xuất cho người dân để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, UBND huyện còn tiến hành làm việc, giới thiệu doanh nghiệp đến các địa phương phối hợp với người dân hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu cho doanh nghiệp, vừa giải quyết được việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ được đất cho người dân…
Theo Báo Khánh Hoà