Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm đến tín dụng chính sách
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ, tín dụng CSXH là chủ trương đúng đắn, một giải pháp sáng tạo mang tính nhân văn cao để kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn vay vốn phục vụ sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững. 5 năm qua, Tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện tốt tín dụng CSXH. Hàng năm, tỉnh ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển cho Ngân hàng (NH) CSXH. 5 năm qua, tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh là 2.746 tỷ đồng; trong đó, nguồn lực từ Trung ương gần 2.420 tỷ đồng, chiếm 88,05%, nguồn lực từ địa phương hơn 328 tỷ đồng, chiếm 11,95%. Việc thực hiện tốt chỉ thị góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
|
Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã tích cực chỉ đạo thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn. Nguồn ngân sách cấp huyện đã chuyển hơn 39,9 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay, cụ thể: TP. Nha Trang gần 16, 7 tỷ đồng, TP. Cam Ranh hơn 4,3 tỷ đồng, huyện Diên Khánh hơn 5 tỷ đồng, thị xã Ninh Hòa gần 5,9 tỷ đồng, huyện Vạn Ninh gần 2,4 tỷ đồng, huyện Khánh Vĩnh hơn 1,5 tỷ đồng, huyện Khánh Sơn gần 1,9 tỷ đồng, huyện Cam Lâm gần 2,7 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ninh Hòa cho biết, nguồn vốn ngân sách địa phương đã giúp 509 lượt hộ nghèo được vay vốn, 23 lượt lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, 4.089 lượt hộ vay vốn đầu tư các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, duy trì và tạo việc làm mới cho 692 lao động, 28 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn. Hiện nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt gần 521 tỷ đồng, với 24.895 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
Cơ sở trồng, chế biến rong nho của ông Đặng Ngọc Thoại (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) mỗi năm sản xuất 35 - 40 tấn rong nho, tạo việc làm cho 13 lao động. Sản phẩm của cơ sở vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu. Cơ sở còn đang nghiên cứu rong nho sấy khô chế biến dạng bột dinh dưỡng và sản phẩm làm đẹp. Ông Thoại chia sẻ, người làm kinh tế luôn khát vốn. Cách đây vài năm, ông được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH Ninh Hòa. Hiện nay, ông Thoại mong có thêm nguồn vốn để tiếp tục tái đầu tư sản xuất, nhà xưởng sau thiệt hại của cơn bão số 12 (năm 2017).
Bà Thị Bương (dân tộc Raglai, ở xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm) cho biết, do sức khỏe yếu nên bà vay 30 triệu đồng nuôi bò. Khi bò sinh sản, con giữ lại, con bán để trả hết nợ vay. Sau đó, gia đình bà lại tiếp tục vay vốn mua thêm 2 con nữa. Đến nay, gia đình có 5 con bò làm vốn. Gia đình bà Trần Thị Thu Vân (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh) được vay NHCSXH 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, hỗ trợ phần nào gia đình mua sắm máy móc làm nghề dệt lưới trũ. Trước đây, bà Vân làm thuê, từ khi có máy, bà tự làm ở nhà, có điều kiện chăm sóc con cái, thu nhập 2 vợ chồng hàng tháng từ 15 - 20 triệu đồng.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đến nay, NHCSXH tỉnh đang quản lý dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách hơn 2.719 tỷ đồng, tăng gần 1.035 tỷ đồng so với trước khi có chỉ thị; với 118.379 hộ gia đình thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chương trình đặc thù của tỉnh. Vốn tín dụng chính sách góp phần giúp cho 24.342 hộ thoát nghèo; 2.588 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; 11.250 việc làm được tạo ra do được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 52 người được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách còn cho các hộ nông dân vay xây dựng mới, cải tạo 178.780 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 193 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà vượt lũ; cho vay mua và xây dựng cải tạo 277 căn nhà ở xã hội. Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 từ 9,4% (năm 2011) xuống còn 1,42% (cuối năm 2015) và giai đoạn 2016 - 2020 từ 9,68% xuống còn 4,95% vào cuối năm 2018.
Tiếp tục triển khai hiệu quả
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải tiếp tục xem đây là kênh vốn hiệu quả để giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tập huấn lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư để tạo điều kiện cho bà con có những kinh nghiệm ban đầu để tổ chức sản xuất. Các đoàn thể phải phối hợp quản lý tốt nguồn vốn, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống và giúp đỡ lại các đối tượng yếu thế khác. Hàng năm, UBND các cấp tiếp tục chuyển vốn cho NHCSXH để cho vay phát triển sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh.
Đồng chí Hồ Đắc Thích - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, thời gian tới, NHCSXH sẽ làm tốt hơn công tác tham mưu, triển khai các chương trình tín dụng trên địa bàn; tiếp tục tham mưu chỉ đạo xây dựng các kế hoạch tín dụng phù hợp nhu cầu thực tế để phát huy hiệu quả đồng vốn; tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo giám sát, kiểm tra, rà soát hộ vay và rà soát công tác quản lý cho vay bình xét tại cấp cơ sở để đảm bảo vốn vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích; tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành phối hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để nguồn vốn tín dụng chính sách đưa vào các kênh phát huy hiệu quả. NHCSXH tỉnh kiến nghị tỉnh có chính sách tín dụng đặc thù riêng cho những hộ có thu nhập trung bình thuộc các xã đạt nông thôn mới được tiếp tục tiếp cận nguồn vốn sản xuất để giữ vững kết quả đạt được. NHCSXH tỉnh cũng kiến nghị Trung ương tham mưu nâng mức cho vay đối với chương trình học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng; nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn lên 100 triệu đồng/hộ, chương trình cho vay giải quyết việc làm lên 100 triệu đồng/lao động và thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm. Bên cạnh đó, cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31-12-2020) và kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm.
Theo Báo Khánh Hòa