Qua những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, để giữ chân người lao động (NLĐ), các doanh nghiệp (DN) đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo sức khỏe, thu nhập cho NLĐ. Sự quan tâm của DN trong lúc khó khăn đã nhận được sự sẻ chia, đồng hành từ phía NLĐ…
Tạo môi trường làm việc an toàn
Tuy hoạt động kinh doanh có phần khó khăn hơn trước, nhưng tất cả các siêu thị trên địa bàn tỉnh đều không cắt giảm nhân viên và có những biện pháp đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.
Ông Võ Đình Dũng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết, siêu thị đã chủ động trích kinh phí mua, cấp phát khẩu trang, đo thân nhiệt trước, sau ca làm việc để bảo đảm sức khỏe cho nhân viên. Đồng thời, khuyến cáo nhân viên hạn chế mặc đồ đồng phục từ nhà đến siêu thị. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai một số biện pháp để chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và khách hàng như: trang bị dung dịch khử khuẩn, tẩy rửa các lối vào siêu thị và các điểm vệ sinh, không để nhiệt độ không khí trong siêu thị dưới 25°C… Bà Hoàng Thị Mỹ Hòa - Bộ phận Marketing và Dịch vụ khách hàng Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết: “Đơn vị đã tổ chức tập huấn trang bị kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên. Tại nhà bếp của siêu thị, mọi đồ dùng như: chén, đĩa, tô, muỗng đều được vệ sinh bằng nước nóng trước khi cho nhân viên sử dụng. Sau bữa ăn ca, chúng tôi còn được đơn vị bổ sung thêm trái cây, nước cam nhằm tăng cường sức đề kháng. Cách làm này vừa tạo môi trường lao động an toàn vừa đảm bảo sức khỏe, tạo sự an tâm cho nhân viên khi làm việc”.
|
Ở những DN sản xuất, tuy dịch Covid-19 không tác động lớn, nhưng các DN đều chủ động đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa dịch và chăm lo đời sống cho NLĐ, xây dựng môi trường lao động an toàn. Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam đã nâng mức phòng, chống dịch lên mức cao nhất. Toàn bộ khuôn viên nhà máy được phun thuốc khử khuẩn, hệ thống xe đưa đón công nhân được khử trùng hàng ngày. Tại cổng nhà máy được trang bị máy đo thân nhiệt và xà phòng rửa tay. Công ty còn thành lập tổ phản ứng nhanh, hàng ngày nắm bắt tình hình sức khỏe của từng công nhân để có biện pháp cách ly tại phòng cách ly dã chiến để theo dõi. Công tác tuyên truyền về dịch bệnh được phát liên tục trên loa nội bộ hàng ngày. Ông Lê Văn Công, công nhân công ty cho biết: “Suất ăn ca hàng ngày của chúng tôi được nâng cao chất lượng hơn so với trước đây; sau bữa ăn, chúng tôi có trái cây hoặc sữa chua, nước cam. Mỗi người còn được phát khẩu trang đeo hàng ngày; môi trường làm việc ở các phân xưởng được khử trùng đảm bảo sạch sẽ. Cách làm của công ty đã tạo sự an tâm cho chúng tôi về môi trường làm việc an toàn trong mùa dịch bệnh”.
Cố gắng giữ chân người lao động
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh nhất đến các DN lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Dù lượng khách du lịch bị sụt giảm, nhưng nhiều DN vẫn cố gắng giữ chân NLĐ để chờ dịch qua đi, khi thị trường du lịch phục hồi trở lại thì DN không mất đi nguồn lao động. Bà Lê Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thiên Hà (chủ đầu tư Khu Du lịch Vịnh San Hô) cho biết, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, công ty đã cho NLĐ thay phiên nhau nghỉ phép, đảm bảo đủ thời gian để nhận lương cơ bản. Bên cạnh đó, công ty cũng dùng nguồn quỹ để hỗ trợ thêm cho NLĐ. Tương tự, Khu du lịch Champa Island tạm thời cho nhân viên nghỉ phép, giữ nguyên lương để giữ chân NLĐ.
Cùng với sự chăm lo về đời sống, các DN còn chú trọng đến việc chăm lo sức khỏe cho NLĐ. Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng ban phòng, chống dịch Covid-19 của Vinpearl Nha Trang cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã đưa ra nội quy bắt buộc thăm khám và có kịch bản đối phó, cách ly nếu bất kỳ nhân viên hay du khách có dấu hiệu lâm sàng như: ho, sốt hoặc bị nghi ngờ tiếp xúc gần với người nghi nhiễm dịch Covid-19. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh để nhân viên, khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin dịch bệnh.
Do khách du lịch giảm nên Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang phải tạm thời cho hơn 200/600 lao động nghỉ phép có hưởng lương theo quy định của pháp luật. Ông Phạm Minh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, cho nhân viên nghỉ phép chờ việc là tình thế bắt buộc của đơn vị. Đây là giải pháp tạm thời để giữ chân NLĐ. Nếu sau thời gian nghỉ phép, dịch tiếp tục có diễn biến mới thì đơn vị sẽ vận động nhân viên nghỉ không lương hoặc có thể làm đơn xin nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đơn vị cam kết, sau khi hết dịch bệnh sẽ tiếp nhận lại nhân viên…
|
Cùng Chia sẻ
Các DN vận tải cũng gặp nhiều khó khăn, khiến NLĐ bị ảnh hưởng không nhỏ. Thế nhưng, thay vì rời bỏ DN, nhiều lao động đã chọn cách ở lại, chia sẻ khó khăn và được hỗ trợ trở lại. Ông Hoàng Phi Hùng - Trưởng đội lái xe thuộc Chi nhánh Phương Trang tại Nha Trang cho biết: “Tôi đã gắn bó với chi nhánh hơn 10 năm nay. Dịch Covid-19 khiến đơn vị bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, chi nhánh vẫn luôn quan tâm đến đời sống của NLĐ, không cắt lương thưởng của nhân viên. Chúng tôi cũng nhận thức được, trong thời điểm này cần chung tay chia sẻ để DN vượt qua khó khăn. Anh em đều tin tưởng và thực hiện nghiêm các quy định của chi nhánh đề ra. Hy vọng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi để đơn vị sớm hoạt động bình thường trở lại”.
Theo ông Trần Trương Khôi - Giám đốc Chi nhánh Phương Trang tại Nha Trang, dịch Covid-19 ảnh hưởng khá tiêu cực đến doanh thu của đơn vị. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chi nhánh luôn hỗ trợ NLĐ để họ yên tâm gắn bó. Đến nay, chưa có trường hợp nào xin nghỉ việc do dịch bệnh. “Chúng tôi vẫn duy trì hoạt động với hơn 300 lao động. Toàn bộ công tác phòng, chống dịch được đơn vị thực hiện nghiêm ngặt. Chi nhánh phát toàn bộ khẩu trang cho NLĐ, khử khuẩn nơi làm việc, trang bị nước rửa tay trên các phương tiện và khu vực nhà điều hành. Tuy gặp khó khăn nhưng NLĐ không bị cắt giảm lương, thưởng và các chế độ phúc lợi”, ông Khôi khẳng định.
Đối với một số DN hoạt động vận tải theo hình thức xe hợp đồng, tình hình có khó khăn hơn. “Nhiều lao động xin nghỉ không lương để chia sẻ với DN. Mọi chế độ chúng tôi đều thực hiện đầy đủ, nhận được sự đồng thuận từ NLĐ. Hiện nay, DN còn khoảng hơn 30 lao động, chủ yếu là lái xe được xoay vòng chạy các tour đưa đón khách Nga nhằm tạo việc làm và thu nhập, cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt”, lãnh đạo một đơn vị hoạt động vận tải theo hình thức xe hợp đồng cho hay.
Ông Chu Văn An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, từ khi xảy ra dịch bệnh, DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Doanh thu bị sụt giảm, đặc biệt là các đơn vị vận tải có xe hợp đồng chở khách Trung Quốc. Một số lao động xin nghỉ việc, nhưng đa phần vẫn ở lại cùng chia sẻ, đồng hành với DN. Có DN cắt giảm lương NLĐ nhưng đều được NLĐ đồng thuận, đến nay không có trường hợp nào khiếu nại về các chế độ chính sách tới ngành chức năng. “Chúng tôi luôn yêu cầu các DN thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo và yêu cầu của cơ quan chức năng. Đồng thời nhắc nhở, theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ của DN với NLĐ nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các bên”, ông An nói.
Kỳ 4: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Theo Báo Khánh Hòa