Đến năm 2025, toàn bộ các xã ở những địa phương đồng bằng phải là xã nông thôn mới (NTM). Đó là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ tỉnh Khánh Hòa đặt ra trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Chưa xứng với tiềm năng
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, đời sống nông dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng, nhà ở nông thôn được xây dựng, nâng cấp, cải tạo; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, văn minh, hiện đại hơn; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được phát huy, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông sản, hàng hóa tập trung, chuyên canh; nhiều hàng hóa, nông sản được chứng nhận nhãn hiệu và chất lượng…
|
5 năm qua, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh là 3.813 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách (tỉnh, huyện, xã) 668 tỷ đồng, vốn huy động 75 tỷ đồng và vốn lồng ghép 3.070 tỷ đồng. Kết quả đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 56/92 xã (60,8%) được công nhận đạt chuẩn NTM (vượt 3 xã so với mục tiêu đã đề ra); số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân chung của toàn tỉnh là 16,5 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí/xã so với mục tiêu đã đề ra); TP. Nha Trang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tuy vậy, kết quả thực hiện chương trình vẫn chưa tương xứng với khả năng của tỉnh và thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng so với nhu cầu; cơ sở hạ tầng một số địa phương chưa đáp ứng so với nhu cầu; kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất, hoạt động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Ngoài một số nguyên nhân khách quan như tình hình thời tiết, dịch bệnh bất lợi đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện Chương trình NTM chưa tương xứng với tiềm năng còn do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt, nguồn lực đầu tư cho chương trình còn hạn chế.
Nhiệm vụ nặng nề
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy và của HĐND tỉnh về Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 75/92 xã NTM, 37 xã NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Huyện Diên Khánh đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm đạt chuẩn huyện NTM; TP. Cam Ranh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đây là những mục tiêu rất cao, đòi hỏi triển khai thực hiện phải quyết liệt, mạnh mẽ và với nguồn lực đủ mạnh, kịp thời mới có thể hoàn thành. Tại Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là 2 nhiệm vụ song hành, bổ trợ lẫn nhau. Trong phát triển hạ tầng, các yếu tố đồng bộ, có sự kết nối, liên thông giữa các vùng, giữa nông thôn và đô thị được chú trọng. Đồng thời, những cơ sở hạ tầng có nhiệm vụ hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản cấp huyện cũng sẽ được ưu tiên đầu tư.
Ở lĩnh vực đầu tư cho mục tiêu nâng cao thu nhập và mức độ thụ hưởng cho người dân nông thôn, bên cạnh triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi thích hợp, thay đổi tư duy và quy mô sản xuất, sản xuất sạch, theo chuỗi…, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn thông qua các chính sách thu hút đầu tư, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của chương trình trên địa bàn toàn tỉnh và ở từng địa phương, Nghị quyết 08 đề ra việc thực hiện xây dựng NTM cần chủ động, toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu và thực chất. Cấp ủy các cấp cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình hiệu quả. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần làm chủ của người dân, việc bố trí đủ và kịp thời nguồn lực từ ngân sách, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đóng góp từ nhân dân, doanh nghiệp cũng là những yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Theo đồng chí Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do hiện nay Trung ương chưa ban hành các văn bản khung thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 nên trước mắt, trong năm 2021, tỉnh tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội với cơ chế và mức hỗ trợ vốn như của giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, quá trình thẩm định và công nhận xã NTM, NTM nâng cao vẫn thực hiện theo Bộ tiêu chí của giai đoạn 2017 - 2020.
Theo nghị quyết của Tỉnh ủy, khi Trung ương ban hành cơ chế, chính sách về thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là cơ sở để tỉnh tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, nhằm tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng NTM theo từng vùng, miền, trường hợp cần thiết sẽ có mức hỗ trợ riêng, đột xuất ở từng năm.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/xay-dung-nong-thon-moi/202102/xay-dung-nong-thon-moi-giai-doan-2021-2025-muc-tieu-rat-cao-8209018/