Thời gian qua, việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai thường xuyên và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là việc các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, thường xuyên đi cơ sở, nhất là các địa phương được phân công phụ trách, trực tiếp làm việc với cấp ủy các địa phương, đơn vị để nắm tình hình, tháo gỡ những khó khăn với chủ trương "tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát dân”.
Nằm ở phía Tây huyện Khánh Vĩnh, xã Liên Sang có 493 hộ với 2089 nhân khẩu, trong đó, số hộ nghèo là 335 hộ, chiếm tỷ lệ 68,79%, hộ cận nghèo là 53 hộ, chiếm tỷ lệ 10,88%. Thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi và nằm trong nhóm các địa phương đạt thấp về các tiêu chí nông thôn mới.
Đồng chí Lê Hữu Thọ, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc với Đảng ủy xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh. Ảnh (báo khánh Hòa điện tử)
Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó phải kể đến sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn, đến nay bộ mặt của xã đã có những thay đổi tích cực: Cấp ủy các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, nghị quyết đại hội đảng các cấp; thường xuyên quan tâm và làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động xây dựng, triển khai các nghị quyết, chương trình hành động lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; các chính sách an sinh xã hội được địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, quy định. Triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của huyện; chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số; chương trình phát triển nguồn nhân lực; chương trình hỗ trợ đầu tư chuyển đổi cây trồng, các chương trình cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách,… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Công tác giáo dục - đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, lao động thương binh - xã hội, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh được coi trọng. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN. Các khoản chế độ cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội luôn được đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; duy trì việc thăm, tặng quà dịp lễ, Tết.
Bên cạnh các công trình do tỉnh, huyện đầu tư, những năm qua xã nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách để đầu tư thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới như: mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhà văn hóa xã, bê tông hóa sân chợ của xã, đào giếng, đầu tư nhân rộng mô hình heo đen…(tổng số vốn từ 2015 đến năm 2022 gần 3 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện nay, xã Liên Sang mới đạt được 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong quá trình phụ trách, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo, định hướng nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Liên Sang đã tăng cường, tuyên truyền, vận đồng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhằm năng cao nhận thức, chuyển đổi tiến tới thay đổi hành vi, ý thức trách nhiệm của đồng bào về ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Mặc dù đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng trong quá trình triển khai vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc huy động nguồn vốn đối ứng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.
Có thể nói, khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi nói chung, xã Liên Sang nói riêng chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân như: điều kiện đặc thù của địa phương còn khó khăn, xuất phát điểm khi triển khai chương trình còn thấp; nguồn vốn đầu tư cho chương trình còn hạn chế, dàn trải; đa số hộ dân kinh tế khó khăn, nên việc huy động vốn rất ít; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới con chưa cao, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, nên việc huy động người dân tham gia chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc hiến đất giải phóng mặt bằng.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương “tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát dân” thì bên cạnh sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp, thì việc xây dựng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của người dân đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình đưa Liên Sang từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu trong việc xây dựng nông thôn mới.
Hải Quang