Những năm qua, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa nói chung, giảng viên giảng dạy môn quản lý hành chính nhà nước nói riêng đã có những nỗ lực trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học.
Sự tương thích giữa phương pháp dạy học tích cực với mục tiêu và yêu cầu của môn học Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính
Dạy học tích cực được hiểu là dạy học với phương châm lấy người học làm trung tâm, quá trình dạy học không phải là quá trình trao đổi một chiều theo kiểu ‘thầy giảng trò ghi’ mà là quá trình trao đổi giữa thầy và trò nhằm giải quyết các nội dung bài học một cách thú vị và thực tế nhất, khuyến khích người học tham gia một cách tích cực và chủ động trong quá trình tiếp thu tri thức.
Hiện nay, theo các tài liệu về phương pháp sư phạm[i], có rất nhiều phương pháp dạy học tích cực. Xin phân tích thành 04 nhóm sau:
Nhóm 1. Các phương pháp người học tham gia độc lập
Nhóm 2. Các phương pháp người học tham gia hoạt động theo nhóm
Nhóm 3. Các phương pháp có sử dụng tình huống
Nhóm 4. Các phương pháp cần kiến thức chuyên sâu.
Khi giảng dạy và học tập với phương pháp dạy học tích cực, người học tham gia tích cực và chủ động vào quá trình học. Chính người học giải quyết từng phần nội dung của bài học. Giảng viên là người dẫn dắt và hướng dẫn, điều chỉnh để người học giải quyết vấn đề đúng hướng. Hai là, các kiến thức được chuyển tải có tính minh họa và tính thực tiễn cao. Đồng thời, hoạt động dạy học theo phương pháp dạy học tích cực là quá trình trao đổi hai chiều. Nhờ vậy, nội dung giảng giải, phân tích sẽ gắn với nhu cầu của người học, giải quyết thực chất nhiệm vụ dạy học. Ba là, khi áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, không khí lớp học thường sôi nổi, đồng thời, người học học thêm được các kỹ năng khác từ trải nghiệm của bản thân và từ bạn cùng lớp.
Các đặc trưng nêu trên đều được thể hiện đầy đủ khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực để chuyển tải nội dung kiến thức quản lý hành chính nhà nước. Đối tượng người học trung cấp lý luận chính trị-hành chính là người trưởng thành và có trải nghiệm thực tế nên họ tham gia giải quyết nội dung bài học, chủ động chinh phục tri thức chứ không thụ động tiếp thu từ giảng viên.

Tiết học giảng dạy và học tập với phương pháp dạy học tích cực, người học tham gia tích cực và chủ động vào quá trình học
Mặt khác, bài học quản lý hành chính nhà nước gắn với hoạt động hành chính hiện tại của chính quyền cấp cơ sở, nên quá trình giảng giải phải minh họa bằng các dẫn chứng thực tế để người học hình dung được hoạt động của hành chính nhà nước, kể cả người không làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nhờ việc thực hiện các phương pháp dạy học tích cực nên không khí lớp học rất sôi nổi.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai các phương pháp dạy học tích cực với môn quản lý hành chính nhà nước, ngoài nội dung bài học, người học học thêm được các kiến thức, kỹ năng khác. Bằng phương pháp tình huống, phương pháp đóng vai, người học sẽ học thêm được thái độ đúng mực của chính quyền khi giải quyết công việc của dân, cả tác phong, ngôn ngữ,… Người học cũng học thêm được cách phân tích, nhận diện, đánh giá và ứng xử trước các tình huống khó. Họ không chỉ học được từ giảng viên, từ bạn bè, mà cả từ quá trình tham gia vào các hoạt động minh họa cho kiến thức quản lý hành chính tại lớp học.
Như vậy, việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy môn học quản lý hành chính cho đối tượng học trung cấp lý luận chính trị - hành chính là nhu cầu tự thân của môn học.
Thực trạng thực hiện việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy quản lý hành chính nhà nước tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Qua khảo sát thực tế tại các lớp học trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trước khi triển khai thực nghiệm phương pháp tích cực, các giảng viên tuy có sử dụng một số phương pháp dạy học tích cực nhưng tập trung vào các phương pháp đơn giản, như hỏi đáp, nêu ý kiến ghi bảng, hay sàng lọc. Phương pháp tình huống một số giảng viên có sử dụng nhưng chưa phổ biến. Với 120 trường hợp được phát phiếu ngẫu nhiên ở 3 lớp học, 1 lớp tập trung và 2 lớp không tập trung, người học ở độ tuổi 30-40 chiếm số đông, là 52,5%, người học ở độ tuổi trên 40 chiếm 25%, phần dưới 30 tuổi chiếm tỉ lệ 22,5%; trong đó 87,5% có trình độ cao đẳng, đại học, 10% trên đại học, số người có trình độ trung học phổ thông chỉ chiếm 2,5%. Hầu hết đều đã có thâm niên công tác rất đáng kể. Kết quả khảo sát ý kiến người học cho thấy hầu hết người học đều cho rằng việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy kiến thức quản lý hành chính nhà nước là rất cần thiết, giúp kiến thức trở nên thiết thực, dễ hiểu, dễ hình dung, dễ áp dụng, giờ học thú vị, chủ động. Nhiều người còn đề nghị tăng cường việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, tăng ví dụ minh họa, tăng tương tác giữa giảng viên và học viên.
Sau thời gian nghiên cứu, giảng viên đã tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào bài giảng, tiến hành thực nghiệm sư phạm ở 11 bài học về kiến thức quản lý hành chính nhà nước trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở một số lớp học, kết quả đánh giá thực nghiệm sư phạm ở những lớp học điển hình này cho thấy người học tỏ ra hài lòng hơn về cách giảng dạy của giảng viên. Hầu hết người được hỏi đề nghị tiếp tục phát huy việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực để cho người học được tham gia nhiều hơn. Nhiều người tỏ ra rất hào hứng với việc giảng viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực.

Tương tác thảo luận nhóm các nội dung của môn học
Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy kiến thức quản lý hành chính cũng gặp một số khó khăn. Một là giảng viên phải chuẩn bị bài công phu hơn, tốn nhiều thời gian và công sức, kể cả phương tiện, công cụ dạy học. Hai là giảng viên phải nghiên cứu và rèn luyện nhiều hơn để không chỉ hiểu biết sâu về nội dung bài giảng mà còn thành thạo và bản lĩnh trong áp dụng phương pháp dạy học. Về phía người học, khó khăn lớn nhất là ở một số người chưa thích nghi với cách học chủ động, nên ngại trình bày, ngại phát biểu, ngại tham gia. Khó khăn lớn thứ tư có thể kể đến đó là quy mô lớp học quá đông, việc áp dụng các phương pháp sẽ gặp trở ngại là khó quán xuyến nếu chia nhiều nhóm nhỏ. Nếu chia nhóm lớn thì có người hoạt động có người không tham gia. Giờ học sẽ trở nên kém thu hút, thiếu hiệu quả.
Một số giải pháp dành cho giảng viên
Trước những yêu cầu của thực tế hiện nay, với những khó khăn thách thức, nhóm nghiên cứu xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp và kiến nghị sau đây:
Một là, nghiên cứu cải thiện kỹ năng giảng dạy của giảng viên. Giảng viên cần đầu tư nghiên cứu thêm về các phương pháp dạy học tích cực, dành thời gian nghiên cứu các yêu cầu của mỗi phương pháp, thường xuyên trau dồi kỹ năng giảng dạy tương ứng với từng phương pháp sư phạm để có thể áp dụng nhuần nhuyễn trong từng bài giảng. Thành thạo phương pháp và uyên bác về nội dung chuyên môn là 2 yêu cầu song song.
Việc nghiên cứu để áp dụng các phương pháp dạy học tích cực nên trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giảng viên. Mỗi bài giảng, mỗi tiết giảng không áp dụng được ít nhất một phương pháp dạy học tích cực là chưa thực hiện tốt hoạt động giảng dạy, giảng dạy mà chưa kích thích được người học thích họ là chưa đạt yêu cầu.
Trong sinh hoạt chuyên môn các giảng viên có thể chia sẻ lẫn nhau kinh nghiệm đứng lớp. Mỗi giảng viên tự rút kinh nghiệm sau mỗi bài học, mỗi buổi lên lớp. Việc bổ sung giáo án cần được làm thường xuyên không chỉ khi có lịch giảng. Đây chính là quá trình tự đào tạo mà nhờ vậy thì mỗi bài giảng sẽ càng ngày càng hoàn chỉnh và nhuần nhuyễn hơn.
Hai là, thường xuyên bổ túc cập nhật dữ liệu thực tế, xây dựng kho dữ liệu cá nhân để đưa vào bài giảng. Để có được dữ liệu thực tế minh họa cho bài giảng và thực hành phương pháp, mỗi giảng viên cần có kế hoạch riêng của mình, tích cực tìm kiếm các dữ liệu thực tế qua các kênh như: báo chí, thực tiễn quan sát được qua nghiên cứu thực tế hay bài tập về nhà của học viên, thắc mắc của người học, hay các tình huống, dẫn chứng trong các khóa luận. Mặt khác, ngay tại lớp học, những câu hỏi thắc mắc, hay tình huống có vấn đề do người học đưa ra thì chính là những dữ liệu giảng viên có thể tập hợp để sử dụng cho các lớp học tiếp theo. Dữ liệu có thể tập hợp từ giảng dạy và khóa luận ở các chương trình khác nhau. Các dữ liệu bao gồm sự việc tình huống, hình ảnh, video clip có thể phân theo thể loại và theo nội dung. Khi dữ liệu được cập nhật thường xuyên, có phân loại, lưu trữ, sẽ làm giàu thêm hiểu biết của giảng viên, đồng thời thuận tiện dễ dàng sử dụng khi cần thiết, đưa vào bài giảng sẽ làm bài giảng trở nên thu hút và thuyết phục.
Ba là, chủ động bổ túc kiến thức chuyên môn để chủ động trong giảng dạy. Kiến thức chuyên môn có thể tiếp nhận từ tài liệu, từ đồng nghiệp và từ cả học viên. Giảng viên phải trăn trở về các nội dung bài giảng, kết hợp dùng phương pháp phù hợp để chinh phục người học vì người học bây giờ có trình độ rất cao, hầu hết học viên trung cấp lý luận chính trị - hành chính đã tốt nghiệp đại học, một số còn trên đại học, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, phó giáo sư.
Bốn là, khắc phục những trở ngại tâm lý từ phía giảng viên. Một số trở ngại ban đầu ở một số giảng viên như e ngại lớp đông khó áp dụng phương pháp dạy học tích cực, ngại thay đổi phương pháp, ngại chỉnh sửa giáo án, ngại đầu tư, ngại cháy giáo án,…hay ngại học viên thụ động, lười phát biểu… Khi có chuẩn bị đủ tri thức và kỹ năng, giảng viên cần mạnh dạn áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, chủ động tạo không khí lớp học không gò bó để động viên người học tham gia vào bài. Qua thực hành, giảng viên sẽ nhận ra mình thiếu gì và có kế hoạch tự bổ túc để có thể làm việc tốt hơn.
Năm là, chuẩn bị kỹ về phương tiện, công cụ dạy học, nghiên cứu đối tượng học viên từng lớp để có sự lựa chọn phương pháp phù hợp.
* Một số kiến nghị, đề xuất
+ Đề xuất đối với nhà trường
Nhà trường cần có chính sách khuyến khích động viên giảng viên áp dụng phương pháp tích cực trong giảng dạy. Việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực đang gặp khó khăn lớn ở quy mô lớp học quá đông. Do vậy, nếu có thể thực hiện quy mô lớp khoảng 40-50 học viên thì việc giảng dạy sẽ đỡ vất vả hơn, việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực mới có thể đạt hiệu quả. Đề xuất này chỉ có thể trở nên khả thi khi được sự thống nhất của cơ quan cấp kinh phí. Hiện nay, ngân sách đào tạo được tính theo đầu học viên, nhưng chi phí hoạt động đào tạo lại theo đầu lớp. Do vậy, nhà trường cần quyết liệt đề xuất với cơ quan cấp trên để được cấp kinh phí theo đầu lớp học. Có như vậy mới đảm bảo ổn định trong hoạt động đào tạo, có thể triển khai quy mô lớp học với số học viên hợp lý, hướng đến hiệu quả thực chất của hoạt động dạy và học.
Việc thay đổi phương pháp hay nâng cao chất lượng cuối cùng mục tiêu cũng là vì người học. Để việc học tập thực chất và thú vị, để thay đổi phương pháp hướng đến hiệu quả, cần đánh giá hiệu quả của nó chính từ phía người học. Thường xuyên lấy ý kiến của người học là một việc nên làm. Việc này đã bắt đầu được triển khai tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tuy nhiên việc sử dụng kết quả bước đầu nên được xác định là một kênh để giảng viên tự nhìn lại mình và tự rút kinh nghiệm.
Để giảng viên có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với thực tế, nhà trường đã triển khai hoạt động đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Tăng cường yêu cầu đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở để giảng viên có nhiều hơn cơ hội tiếp cận thực tiễn, thu thập dữ liệu thực tế phục vụ bài giảng. Theo quy chế, mỗi năm giảng viên có 10 đến 15 ngày đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, chia làm 2 đợt, song, nhu cầu nghiên cứu thực tế của giảng viên giảng dạy quản lý hành chính nhà nước là có nhiều thời gian hơn và đến nhiều cơ quan hơn. Bởi các vấn đề quản lý hành chính trên mỗi lĩnh vực đều rất phức tạp và do nhiều cơ quan đảm nhiệm. Để thật sự hiểu được một khía cạnh ở một lĩnh vực cũng cần có quan sát nghiên cứu trong nhiều ngày ở nhiều nơi. Do vậy, cần mở ra thêm cơ hội, nếu giảng viên có nhu cầu và kế hoạch cụ thể, sẽ được tạo điều kiện để có nhiều thời gian và cơ hội tiếp cận với thực tế, lấy dữ liệu cuộc sống đưa vào bài giảng để giảng dạy về quản lý hành chính nhà nước cho cán bộ công chức viên chức nhà nước.
+ Đề xuất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Do chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay biên soạn xác định dành cho đối tượng cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, mà thực tế người học thì đa dạng hơn rất nhiều, gây khó khăn cho giảng viên khi thực hiện bài giảng. Do vậy, nhóm nghiên cứu mạnh dạn đề xuất kiến nghị Học viện tổ chức biên soạn chỉnh sửa chương trình, giáo trình hướng đến đúng đối tượng người học. Mặt khác, việc thay đổi liên tục mà không khắc phục được hạn chế sẵn có gây xáo trộn và khó khăn không đáng cho hoạt động dạy và học hiện nay, nhóm nghiên cứu kiến nghị Học viện nghiên cứu sửa đổi một lần toàn diện sau đó giữ ổn định tương đối để cho giảng viên hoàn thiện giáo án bài giảng của mình qua thời gian. Bởi mỗi bài giảng thực hiện được một vài lần trong một năm và một vài năm lại đổi là không thật sự hiệu quả, gây tâm lý ngại bổ sung, ngại cập nhật vì lo lắng về giá trị hữu dụng của nó. Khi chương trình, giáo trình hợp lý, khoa học và ổn định, giảng viên có thể đầu tư vào bài giảng mà không tiếc công.
Sự nghiệp dạy và học không bao giờ là hoàn thành, mà là một công việc có tiếp nối, liên tục không ngừng nghỉ, nên cũng cần sự nỗ lực không ngừng từ tất cả các phía, đặc biệt là giảng viên, học viên và Nhà trường./.
ThS. Lê Thị Kim Chung - Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
[i] Ths. Nguyễn Thị Minh Phượng, Ths. Phạm Thị Thúy, Cẩm nang phương pháp sư phạm, NXB Tổng hợp TPHCM, TP.HCM, 2014.
[i] Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á – Việt Nam, Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Tập huấn có sự tham gia, Tài liệu phát tại lớp tập huấn, tháng 8.2005.