Để chủ động ứng phó với cơn bão số 9, nhất là nguy cơ sạt lở núi, lũ quét và ngập úng, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Khánh Hòa đang triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, huy động tối đa lực lượng, phương tiện và chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do bão lũ gây ra.
Vạn Ninh: Tập trung di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản
Mấy ngày qua, huyện Vạn Ninh rốt ráo triển khai các phương án để ứng phó với cơn bão số 9. Trong đó, việc di dời lao động và lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) được huyện rất chú trọng.
Theo lãnh đạo xã Đại Lãnh, trong ngày 22-11, địa phương đã vận động và yêu cầu người dân đưa hơn 500 ghe thuyền đi tránh trú. Trước mắt, địa phương đã di dời, cưỡng chế 60 hộ ở sát biển về những nơi an toàn. Xã còn cử công an, dân quân túc trực ở những nơi đã di dời để bảo vệ tài sản và không để người dân quay trở lại.
Trên địa bàn xã Vạn Thạnh có hơn 4.600 lồng bè NTTS với hơn 440 hộ nuôi ở các vùng biển. Ngày 22-11, xã bố trí các lực lượng trực tiếp đến từng lồng bè để nhắc nhở, kêu gọi, vận động và giúp nhân dân kéo bè tôm về nơi an toàn; hoàn tất các bước kê khai NTTS. “Xã đã lên phương án sẵn sàng cưỡng chế tất cả những người nuôi tôm, cá trên các lồng bè khi bão có khả năng vào. Bên cạnh đó, xã đã di dời hơn 100 hộ ở những vùng xung yếu, trũng thấp, có nguy cơ cao về sạt lở đất, cát về nơi an toàn; bố trí xe ô tô, lực lượng túc trực 24/24 giờ để sẵn ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp”, ông Lê Hoàng Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết.
Ông Lê Văn Khải - Chánh Văn phòng UBND huyện Vạn Ninh cho biết, trong ngày 22-11, huyện đã huy động 1.600 người triển khai các phương án và sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp. Các địa phương đã yêu cầu và cưỡng chế người dân đưa hơn 1.800 phương tiện tàu thuyền về tránh trú ở cầu Hiền Lương, cầu Huyện, cầu Đại Lãnh, Vũng Rô (tỉnh Phú Yên). Đặc biệt, qua rà soát, toàn huyện sẽ di dời và sơ tán tại chỗ hơn 3.100 người ở những vùng xung yếu, trũng thấp, có nguy cơ sập nhà cao thuộc các xã, thị trấn: Xuân Sơn, Vạn Giã, Vạn Phú, Vạn Phước, Đại Lãnh và Vạn Thạnh. Trước mắt, các địa phương đã chủ động di dời, sơ tán người già yếu, trẻ em về các nhà văn hóa, trường học và nhà người quen ở những nơi an toàn; bố trí 2 chiếc xuồng, hơn 40 nhà bạt, máy phát điện, lương thực, thuốc men… sẵn sàng sử dụng. Huyện đã có công văn chỉ đạo 2 đơn vị quản lý hồ Hoa Sơn và hồ Đá Đen chủ động điều tiết nước, tránh gây ngập úng cho vùng hạ du.
Trong sáng 23-11, huyện sẽ buộc phải di dời tất cả lực lượng lao động trên biển vào bờ, đồng thời tăng cường lực lượng quản lý để ngăn chặn tình trạng người dân quay trở lại lồng nuôi.
Ninh Hòa: Bảo đảm an toàn hồ đập
Để ứng phó với cơn bão số 9, phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) đã thành lập đoàn đi kiểm tra các điểm xung yếu, vùng trũng; đồng thời vận động người dân phát quang những cây lớn trong vườn nhà, tránh bị ngã đổ; chằng néo nhà cửa. Đối với 3 thôn có nguy cơ ngập lụt như: Phú Thạnh, Phú Thứ, Hội Thành, phường đã chuẩn bị 13 xe tải để kịp thời di dời khoảng 1.400 dân khi có tình huống xấu xảy ra; chuẩn bị 3 tấn gạo và 75 thùng mì gói... Tại phường Ninh Hải, những ngày qua, cán bộ của phường đã trực tiếp đi kiểm tra các vùng xung yếu và lồng bè NTTS; đồng thời vận động người dân khi có mưa bão xảy ra tuyệt đối không được ở trên lồng bè. Hiện Ninh Hải có 20 lồng bè NTTS và 200 chiếc thuyền đánh bắt thủy sản. Dự kiến, nếu bão vào, có khoảng 100 hộ ở thôn Đông Hải và Bình Tây phải di dời…
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thị xã Ninh Hòa cho biết, thị xã đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đi kiểm tra an toàn các hồ trên địa bàn. Hiện tại, các hồ chứa nước đang ở mức thấp. Cụ thể, hồ Eakrong Rou cao trình cho phép 606m nhưng hiện chỉ ở cao trình 594,4; hồ Đá Bàn cao trình cho phép 63m nhưng hiện chỉ ở cao trình 51,94m. Đây là 2 hồ có cao độ lớn nhất trên địa bàn tỉnh, vì vậy công tác ứng phó với mưa lũ thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, trên địa bàn Ninh Hòa có khoảng 200 lồng bè NTTS tại các xã, phường: Ninh Phú, Ninh Ích, Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Hải. UBND thị xã đã làm việc cụ thể với các địa phương, có kế hoạch di dời lồng bè đến nơi an toàn và tuyệt đối không cho người dân ở lại lồng bè khi mưa bão xảy ra. Song song đó, địa phương cũng đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện để di dời dân, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân khi cần. Dự kiến, thị xã có khoảng 7.000 hộ với gần 32.000 người phải di dời tới nơi tập trung khi xảy ra mưa bão. Ngoài lực lượng, phương tiện tại chỗ của các xã, phường, thị xã còn huy động ô tô tải của các công ty, đồng thời huy động các phương tiện thủy của cảng Hòn Khói và các xã, phường: Ninh Thủy, Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Ích… tham gia phòng, chống bão.
Diên Khánh: 8.305 người dân thuộc diện phải di dời
Theo ông Đinh Văn Thiệu - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, sáng 22-11, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai ngay phương án PCTT-TKCN của địa phương, đơn vị mình. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở để di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động hỗ trợ cát và vận động người dân chằng chống nhà cửa, công trình, nhất là nhà tạm, nhà bán kiên cố, nhà của đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cũng đã triển khai việc trực ban, trực gác, thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các địa phương.
Bên cạnh đó, huyện cũng chuẩn bị phương án huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn và di dời dân trong trường hợp bão đổ bộ. Theo đó, huyện sẽ huy động 3 ca nô, 24 xuồng, 778 áo phao, hơn 40 nhà bạt… Số người dân thuộc diện phải di dời trong trường hợp bão đổ bộ là 8.305 người, trong đó có hơn 1.690 người di dời tại chỗ và gần 6.610 người phải di dời đến nơi đảm bảo an toàn.
Theo kế hoạch, sáng 23-11, huyện triệu tập chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai quyết liệt công tác phòng, chống cơn bão số 9. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12-2017, huyện mời thêm các ngành khác như: điện lực, viễn thông để cùng phối hợp với huyện khắc phục nhanh hạ tầng sau khi bão đi qua. Các lực lượng quân đội như Tiểu đoàn 460 sẽ hỗ trợ trực tiếp cho huyện khi có sự cố. Tại các xã, thị trấn, lực lượng dân quân cơ động, thanh niên xung kích túc trực thường xuyên với số lượng 30 - 40 người/địa phương.
Khánh Vĩnh: Chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Ngày 22-11, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đồng loạt triển khai phương án phòng, chống cơn bão số 9.
Tại xã Khánh Đông - khu vực có nhiều sông suối, vùng trũng thấp của huyện, xã huy động 8 xe công nông chở cát đổ dọc theo các tuyến đường đi vào khu dân cư để người dân chủ động cho vào bao cát chằng chống nhà cửa. Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Khánh Đông, toàn xã có 5 điểm xung yếu thường xuyên ngập lụt, sạt lở, với hơn 250 hộ (hơn 1.000 người) cần di dời. Bên cạnh đó, xã làm việc với các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn ký cam kết về nguyên tắc cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm khi có nhu cầu. Hiện có 5 cửa hàng nằm trong chuỗi cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho chính quyền. Ngoài ra, xã hợp đồng 5 chủ phương tiện xe tải 2,5 tấn để trưng dụng chở người khi cần thiết. Lực lượng thường trực phòng, chống thiên tai là 55 người, gồm 1 trung đội dân quân cơ động và lực lượng thanh niên xung kích các thôn.
Ông Phạm Ngọc Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho hay, trong ngày 22-11, xã đã cấp phát 3.000 bao cát giúp đồng bào chống bão. Bên cạnh đó, xã huy động lực lượng dân quân giúp người dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản lên khu vực cao. Qua rà soát, xã Sơn Thái chủ yếu có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, không bị lũ quét. Phần lớn các hộ vùng chịu thiên tai đã được tái định cư tại khu vực an toàn. Toàn xã chỉ còn 42 hộ cần sơ tán khi có tình huống nguy hiểm. Xã cũng hợp đồng với các cơ sở thương mại trên địa bàn cung cấp 5 tấn gạo, 3.000 gói mì tôm, hơn 1.000 lít dầu hỏa phục vụ công tác phòng, chống lụt bão.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Trưởng ban trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, ngay từ chiều 20-11, Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban Chỉ huy đã yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai phương án phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn, tổ chức trực ban 24/24 giờ, hủy bỏ các cuộc họp không cần thiết, huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, chốt chặn các khu vực xung yếu, nước chảy xiết...
Trung tâm Dịch vụ thương mại huyện cùng 8 cửa hàng trực thuộc trên địa bàn dự trữ hơn 56 tấn lương thực, hơn 37.000 gói mì tôm, gần 2.000 lít dầu hỏa cùng các loại nhu yếu phẩm khác, tổng trị giá gần 1 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Cam Lâm: Nhiều phương án sơ tán người dân
Ông Lê Tấn Long - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết, địa phương đã thống kê số hộ cần di dời khi mưa lớn. Trong đó, thôn Văn Sơn với 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần di dời 35 hộ vào trường tiểu học khi có mưa lớn; với các thôn khác, xã đã thông báo cho các hộ có nhà tạm, nhà có nguy cơ sập di dời tạm sang các nhà kiên cố lân cận. Bên cạnh đó, lực lượng công an và dân quân tự vệ của xã cũng được bố trí túc trực tại 3 điểm cầu tràn tại khu dân cư, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại xã miền núi Sơn Tân, địa phương đã lên danh sách hơn 10 hộ có nhà trên các sườn đồi nguy cơ sạt lở cao và gần 50 hộ có nhà tạm, nguy cơ sụp đổ để kịp thời di dời khi xảy ra mưa lớn. Ông Cao Minh Sao - Chủ tịch UBND xã cho biết, chiều 22-11, hệ thống loa đài của địa phương liên tục phát các bản tin thông báo cho người dân để chằng chống nhà cửa. Hơn 20 thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã cũng túc trực liên tục, kiểm tra tình hình và thực hiện chốt chặn ở các cầu tràn có nguy cơ ngập lụt và lũ quét.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lâm, người dân ở các vùng thường bị ngập như: xã Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát, Suối Tân, thị trấn Cam Đức đã được thông báo chủ động di dời tài sản, hàng hóa, dự trữ lương thực... Đối với các điểm dễ sạt lở, sẽ tiến hành di dời dân ngay khi có mưa lớn; những hộ không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng.
Đồn Biên phòng Cam Hải Đông tăng cường phối hợp theo dõi diễn biến tàu thuyền, hướng dẫn các tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn (toàn huyện có 356 tàu thuyền). Điện lực Cam Lâm cũng rà soát, kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, đặc biệt đối với các khu vực bị sạt lở đất gây hư hỏng lưới điện trong đợt mưa lớn vừa qua. Các cơ quan chức năng khác như: ngành Y tế, Công an huyện cũng đã triển khai các phương án tác chiến, cứu nạn cứu hộ khi có tình huống xảy ra...
Về các tình huống sơ tán người dân, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã đề ra nhiều phương án cụ thể. Trường hợp bão mạnh, nước biển dâng, sẽ có 22.705 người cần sơ tán; tình huống gió mạnh, xảy ra ngập lụt tại các khu vực xung yếu, nhà không kiên cố, sẽ sơ tán 10.736 người; trường hợp có sạt lở đất, lũ quét, sẽ sơ tán 149 người, chủ yếu các xã có đồng bào dân tộc thiểu số... Các địa điểm để sơ tán người dân cũng đã được bố trí, chuẩn bị sẵn.
Ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến, ứng phó với các tình huống, cập nhật thông tin liên tục về huyện để có phương án xử lý kịp thời, trong đó đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân được đặt trên hết.
Cam Ranh: Kiên quyết không để ngư dân ở lại trên lồng bè, tàu thuyền
Toàn TP. Cam Ranh hiện có hơn 43.300 ô lồng NTTS, với 2.150 lao động trên các bè nuôi, tập trung chủ yếu tại các địa phương gồm: Cam Bình, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Linh, Cam Thuận, Cam Lợi… Ông Nguyễn Bình Nhật - Phó Trưởng phòng Kinh tế Cam Ranh cho biết: “Liên tục những ngày gần đây, UBND TP. Cam Ranh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn các hộ NTTS neo chắc các bè nuôi, hạ độ cao các lồng chìm. Nhờ vịnh Cam Ranh là vịnh kín gió nên các bè nuôi không di chuyển mà chỉ neo đậu chắc chắn. Địa phương kiên quyết chỉ đạo không để bất cứ người dân nào còn ở lại trên bè NTTS khi bão đến”.
Trong khi đó, ông Phan Ngọc Tấn - Trạm trưởng Trạm Thủy sản Cam Ranh - Khánh Sơn - Trường Sa cho biết: Do số lượng ô lồng nuôi rất lớn, người dân lại nuôi trồng tự phát ngoài quy hoạch rất nhiều nên công tác di dời, đưa người lao động trên các bè nuôi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành chức năng của TP. Cam Ranh đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân vào bờ; phối hợp với các lực lượng chức năng thành phố kiểm tra, cưỡng chế đưa vào bờ những người còn ở lại trên bè; cắt cử lực lượng canh gác không để người dân trở lại bè nuôi.
Bên cạnh đó, toàn thành phố hiện có 1.275 tàu thuyền, trong đó có 130 chiếc công suất trên 90CV, hoạt động xa bờ, chủ yếu ở ngư trường phía nam. Hiện, các tàu cá đều nắm bắt được thông tin diễn biến phức tạp của cơn bão số 9. Đối với một số tàu cá xa bờ còn hoạt động trên biển, các địa phương đang tiếp tục liên lạc để hướng dẫn ngư dân tìm nơi tránh trú an toàn. Liên quan đến việc bố trí nơi tránh trú bão cho tàu cá, ông Nhật cho hay, TP. Cam Ranh có 2 địa điểm tránh trú an toàn cho tàu cá, trong đó khu vực Bình Ba rộng 75ha và khu vực vịnh Cam Ranh rộng 300ha, không chỉ đảm bảo cho tàu cá địa phương mà cả tàu cá một số tỉnh lân cận. TP. Cam Ranh cũng kiên quyết không để bất cứ ngư dân nào ở lại trên tàu khi bão vào.
Huyện Trường Sa: Tích cực giúp đỡ ngư dân tránh trú bão
Những ngày qua, các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đã tích cực triển khai kế hoạch phòng, chống cơn bão số 9 với phương châm “4 tại chỗ”.
Hiện nay, các đảo đã triển khai cắt tỉa cành cây, chằng chống mái nhà, kho tàng, hệ thống pin, đèn năng lượng mặt trời và di chuyển các thiết bị về nơi an toàn, chú trọng công tác chống ngập úng, triều cường, luyện tập các phương án, sẵn sàng di dời dân về khu vực kiên cố để đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, các đảo đã trực canh thông tin 24/24 giờ, liên tục liên lạc, hướng dẫn các tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên khu vực quần đảo Trường Sa về các âu tàu để trú tránh bão. Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, đến trưa 22-11, đã có 67 tàu cá của ngư dân các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa vào âu tàu các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Tốc Tan, Đá Tây, Trường Sa. Đội dịch vụ hậu cần nghề cá đã cung cấp nước ngọt miễn phí và giúp ngư dân sửa chữa một số hư hỏng trên tàu. Lực lượng quân y các đảo cũng đã chuẩn bị các phương án thăm khám, cấp thuốc cho ngư dân khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, các đảo cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đưa ngư dân lên các làng chài để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào đảo.
Khánh Sơn: Sẵn sàng di dời 431 hộ vùng nguy hiểm
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Khánh Sơn cho hay, huyện yêu cầu các địa phương bố trí lực lượng chốt chặn, đặt biển cảnh báo tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở và các cầu tràn; không để người dân đi xem nước lũ, câu cá, lên rẫy trong những ngày mưa bão; sẵn sàng nhu yếu phẩm để đảm bảo người dân không đứt bữa trong trường hợp bị chia cắt… Một vấn đề đang được địa phương gấp rút triển khai là việc nạo vét các cầu tràn, khơi thông dòng chảy để tránh tình trạng ngập, gây chia cắt như đợt mưa lớn vừa qua. Lực lượng quân đội, công an cũng đã sẵn sàng để triển khai nhanh công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp.
Qua rà soát các địa điểm xung yếu trên địa bàn, nguy hiểm nhất vẫn là sạt lở đất dọc sông Tô Hạp (nhất là đoạn qua các xã, thị trấn: Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn). Toàn huyện có 431 hộ, với 1.730 nhân khẩu sinh sống ở các khu vực triền đồi có nguy cơ bị sạt lở này đã sẵn sàng di dời về các trường học, nhà cộng đồng để tránh bão, mưa lũ. Về công trình thủy lợi, có đập APA (Thành Sơn), đập Ty Lay (Sơn Hiệp), đập Ti Kay, Đầu Bò Thượng (Sơn Trung), đập Lồ Ô, Dốc Trầu (Ba Cụm Bắc)… và 9 công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn 8, xã thị trấn cũng rất dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm khi có mưa lớn, lũ quét.
Trong những đợt mưa bão lớn trước đây, Khánh Sơn thường xuyên bị chia cắt khi một số điểm trên đèo Khánh Sơn, cầu tràn Ko Roa (Tỉnh lộ 9) bị sạt lở và ngập. Ông Bùi Văn Chuyền - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Sơn cho biết: “Trong ngày 22-11, toàn bộ hàng hóa, nhu yếu phẩm đã được trung tâm chuyển về 6 cửa hàng tại các xã xung yếu. Chúng tôi đã dự trữ đủ 24,5 tấn gạo, 2.100 thùng mì tôm và các nhu yếu phẩm khác, với tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 1 tỷ đồng, có thể đảm bảo sinh hoạt của người dân vùng chia cắt ít nhất 7 ngày”.
Tags:
Tác giả: Báo Khánh Hòa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- Ngành nông nghiệp chủ động ứng phó bão số 9 (23/11/2018)
- Kênh chính nam qua địa bàn Cam Lâm có nguy cơ bị vỡ (23/11/2018)
- Vẫn còn hơn 3.600 lao động trên các lồng bè (23/11/2018)
- Bão số 9 tiếp tục mạnh lên (23/11/2018)
- Tin bão khẩn cấp (cơn bão số 9) (23/11/2018)
- Những lý do khiến bão số 9 đặc biệt nguy hiểm (23/11/2018)
- Công điện khẩn cấp ứng phó bão số 9 (23/11/2018)
- Các điểm tránh trú bão: Đã chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm (22/11/2018)
- Những kiến thức cơ bản giúp ứng phó với bão lũ (22/11/2018)
- TRƯỜNG CAO ĐẲNG DU LỊCH NHA TRANG TỔ CHỨC LỄ KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (22/11/2018)