Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận. Người dạy: “... Đảng có vững kách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam...”; “Điều lệ của Đảng có quy định rõ nhiệm vụ của đảng viên là: ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lê nin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình”[1].
Tại tỉnh Khánh Hòa, thực hiện nghiêm túc lời Bác dạy và các định hướng trên lĩnh vực lý luận của Đảng trong những năm qua, công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng bộ tỉnh có bước phát triển mới; việc học tập nghị quyết của Đảng, học tập các chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là những đợt sinh hoạt chính trị đã trở thành nề nếp. Việc thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị có bài bản hơn, phương pháp đa dạng, hấp dẫn, phong phú hơn.
Tại trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị các huyện, thị, thành phố, trên cơ sở bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, chất lượng cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, nhiều đảng viên đã chuyển từ nhận thức sang hành động một cách cụ thể và thiết thực với công tác thực tiễn, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của hệ thống chính trị từ huyện, thị, thành phố đến cơ sở. Trong mười năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các trung tâm trong toàn tỉnh đã mở 1.794 lớp với 164.773 lượt học viên tham dự. Trong đó, các chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, mở được 1.581 lớp với 145.994 lượt học viên tham dự; các chương trình phối hợp mở được 213 lớp với 18.779 học viên tham dự. Với Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng và Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, việc học tập các chương trình này đã giúp cho học viên hiểu nội dung cơ bản, cốt lõi về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam; về nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, về nhiệm vụ và phương pháp công tác của người đảng viên. Trên cơ sở đó, từng đảng viên mới xây dựng kế hoạch phấn đấu rèn luyện để trở thành đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chương trình bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở đã giúp các đồng chí bí thư chi bộ và cấp ủy viên nắm kiến thức nghiệp vụ cơ bản, phục vụ cho công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng ở cơ sở. Đối với Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cơ sở, các trung tâm triển khai đạt hiệu quả, bổ sung hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ hoặc chuyên đề giới thiệu cách làm hay, bài học kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tuyên giáo. Chương trình sơ cấp lý luận chính trị đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ chính trị của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, việc thực hiện các chương trình bồi dưỡng cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở giúp học viên nâng cao nghiệp vụ, hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rèn luyện kỹ năng vận động quần chúng, hiểu được những thuận lợi và khó khăn của đất nước, của địa phương và những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần phải thực hiện ở cơ sở. Từ đó, tăng cường tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp công tác, năng động và sáng tạo hơn trong tổ chức, động viên phong trào của hội viên trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư…
Trong giảng dạy, các trung tâm từng bước tiến hành thực hiện các bước đúng quy trình đối với giảng viên như nghiên cứu, soạn giáo án theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; tổ chức giảng dạy, trao đổi, thảo luận, đối thoại với học viên. Trong quản lý, đánh giá kết quả học tập, các trung tâm chú trọng từ khâu chiêu sinh, tổ chức giảng dạy, quản lý học viên đến ra đề kiểm tra, viết thu hoạch cuối khóa, cấp giấy chứng nhận cho học viên nghiêm túc, đúng quy định. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập được các trung tâm cải tiến theo hướng gợi mở, phát huy tính sáng tạo, vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác của học viên; cụ thể như đối với lớp Bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, Bồi dưỡng đảng viên mới, đã áp dụng quy định học viên phải soạn đề cương thảo luận sau mỗi bài học, từ đó trong giờ thảo luận học viên phát biểu ý kiến thảo luận sát nội dung, giúp cho người học nắm chắc kiến thức cơ bản của từng bài học (Ninh Hòa); việc kiểm tra được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm (Cam Ranh, Khánh Vĩnh). Nhìn chung, kết quả kiểm tra cuối khóa các lớp học đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ học viên đạt khá, giỏi luôn chiếm hơn 70%, điều này phản ánh được nhận thức của học viên qua tiếp thu tốt các chuyên đề, bài giảng tại các trung tâm.
Các trung tâm đã nỗ lực hướng dẫn nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức; chú trọng thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, gợi mở cho học viên trao đổi thảo luận, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn 6 tháng/1 lần cho giảng viên và giảng viên kiêm chức để thống nhất nội dung bài giảng, cách soạn bài, phương pháp giảng dạy (Diên Khánh); cử người tham gia dự giảng, dự giờ, tham gia các Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi các trung tâm do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức; tổ chức lấy phiếu khảo sát, đánh giá của học viên về phương pháp giảng dạy của từng giảng viên để trao đổi, sinh hoạt chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng công tác giảng dạy... Đến nay, đa số giảng viên chuyên trách và kiêm chức thực hiện soạn giảng bằng giáo án điện tử; ứng dụng tốt công nghệ thông tin để khai thác, cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, thường xuyên trao đổi, cập nhật kiến thức, quan điểm mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đưa vào bài giảng, đảm bảo thông tin, định hướng các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị vẫn còn số một tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chất lượng và hiệu quả còn thấp so với yêu cầu mới; nội dung, chương trình còn nặng tính lý luận, nhẹ tính thực tiễn; một số ít cán bộ, đảng viên vẫn còn xem nhẹ việc học tập, lý luận…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời gian đến, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: đối với người học; phải tự giác, chủ động và sáng tạo trong học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ. Học lý luận và biết cách vận dụng trong thực tiễn và thực tế công tác của mình. Bác Hồ đã dạy người học phải biết “tự nguyện, tự giác, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong học tập. Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì, phải đặt câu hỏi “vì sao?” đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”[2].
Thứ hai: đối với đội ngũ làm công tác giảng dạy và đội ngũ giáo viên kiêm chức; thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về nội dung công tác giáo dục lý luận chính trị theo từng chương trình bồi dưỡng, đào tạo, theo hướng gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, tạo hiệu quả thiết thực, giải đáp được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; gắn chặt với những nhiệm vụ cụ thể mà Đảng và Nhà nước đang giải quyết. Trong quá trình giáo dục lý luận chính trị, cần kết hợp việc nâng cao nhận thức lý luận với bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và kết hợp nhuần nhuyễn trong tích cực học tập, nỗ lực làm theo tấm gương, đạo đức của Bác. Trong giảng dạy, cần chuẩn bị kỹ nội dung giảng bài, tham khảo tài liệu, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan. Có giáo án lên lớp, chú trọng phân bổ thời gian hợp lý khi triển khai nội dung giảng dạy phần lý luận và liên hệ thực tiễn; chú trọng giảng lý thuyết với liên hệ thực tiễn địa phương, tuy nhiên cũng tránh phần liên hệ thực tiễn nhiều hơn giảng các kiến thức về lý luận. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm.
Thứ ba: đối với các trung tâm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới...; triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp. Xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức có chất lượng, kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, có phương pháp giảng dạy phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên có kế hoạch tổ chức dự giờ giảng viên góp ý kiến, phân tích đưa ra phương pháp giảng dạy với từng bài giảng. Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ học viên từ khâu chọn cử đi học đến kết thúc khóa học; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng sau đào tạo, đảm bảo hiệu quả và thiết thực. Tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp ủy cùng cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho công tác giảng dạy lý luận chính trị của các trung tâm.
Xuân Phương - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T12, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, tr.91-96.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, tr.499-500.