Nhân dịp Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Website Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp hội nông dân trong nhiệm kỳ vừa qua.
Website Tỉnh ủy: Xin đồng chí đánh giá đôi nét về những kết quả đạt được của các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân: Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của các cấp hội nông dân và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục được đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực, gắn kết chặt chẽ các hoạt động của nông dân với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của địa phương. Tổ chức hội ngày càng được củng cố, phát triển; thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nông dân, qua đó, đã kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình hành động liên quan đến hoạt động nông nghiệp và phong trào nông dân; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, thành lập tổ liên kết sản xuất; hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương gắn với tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Thông qua các hoạt động và tổ chức các phong trào, nhiều mô hình mới sản xuất kinh doanh có hiệu quả được hội nông dân xây dựng và nhân rộng. Một số mô hình kinh tế tập thể bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Tổ hợp tác trồng sầu riêng Khánh Sơn; Tổ hợp tác sản xuất đồ mỹ nghệ của thành phố Cam Ranh và huyện Khánh Vĩnh; Hợp tác xã nuôi gà trong nhà lạnh ở huyện Cam Lâm; Tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản ở thành phố Nha Trang; Tổ hợp tác sản xuất nem chua, chả lụa của thị xã Ninh Hòa; Tổ hợp tác nuôi dê lấy thịt và bán giống của huyện Vạn Ninh… Các cấp hội nông dân cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hỗ trợ cho nông dân đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản như: Xoài Cam Lâm, dừa Xiêm Ninh Đa, sầu riêng Khánh Sơn... giúp nâng cao giá trị thương mại của các mặt hàng nông sản. Đặc biệt, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh; qua đó, đã hỗ trợ trên 11.000 lượt hội viên nông dân tham gia vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân được tăng cường; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân được phát huy.
Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đổi mới diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hội nông dân và phong trào nông dân trong tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số phong trào phát triển chưa đồng đều, kết nối chưa sâu rộng, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng như đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Phương pháp vận động, tập hợp nông dân của hội nhiều lúc còn thiếu cụ thể, chưa thật sự phù hợp với từng đối tượng, vùng miền và yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người nông dân; chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội, hiệu quả thực hiện một số hoạt động chưa cao.
Website Tỉnh ủy: Đồng chí có những chỉ đạo và định hướng gì để hoạt động của các cấp hội nông dân nhiệm kỳ tới không ngừng phát triển vững mạnh?
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân: Bên cạnh việc phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh và các cấp hội nông dân trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân tăng cường sự đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội và phong trào nông dân, cùng với các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chương trình tình nghĩa; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh..., góp phần thực hiện tốt 4 chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Lưu ý phương hướng, giải pháp trong nhiệm kỳ tới cần hướng đến sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ (giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý...), sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao hiệu quả trong chuỗi sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho người dân, góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đối với việc chấp hành Điều lệ và Nghị quyết của Hội. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Trong công tác phối hợp, Hội Nông dân tỉnh cần tranh thủ sự thống nhất với Mặt trận và các đoàn thể tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, chú trọng định hướng nông dân trong phát triển sản xuất (về quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt, nghiên cứu ứng dụng các mô hình liên kết hợp tác sản xuất, định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân...), qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân tỉnh. Quan tâm hơn nữa công tác chăm lo và nâng cao chất lượng đời sống của các hội viên, nông dân. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả (tổ liên kết sản xuất, trang trại, hợp tác xã, phối hợp xây dựng các điểm trình diễn...). Tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, phát huy vai trò của tổ chức hội nông dân trong thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân; đẩy mạnh vận động nông dân sản xuất sản phẩm sạch an toàn, thực hiện Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”; tích cực xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân; triển khai hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh.
Trước mắt trong năm 2018, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tốt “Phiên chợ nông sản” kết hợp mở các diễn đàn tư vấn, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ xây dựng thương hiệu để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện đề án đưa cán bộ, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài để giúp hội viên nông dân hiểu biết sâu hơn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trình độ cao, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, từ đó mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp ở Khánh Hòa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế.
Website Tỉnh ủy: Xin cám ơn đồng chí.