Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
PV: Vừa qua, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xin đồng chí cho biết HĐND tỉnh sẽ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào để thực hiện thắng lợi những mục tiêu Nghị quyết đề ra?
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn: Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về “xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ hội để tỉnh tăng tốc, phát triển đột phá trong những giai đoạn tiếp theo. Trong đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không.
Để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 23/02/2022, xác định cụ thể những chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; trọng tâm là xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Đề án xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh tiếp tục chú trọng việc xây dựng và ban hành các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh 5 năm, hàng năm và 6 tháng; nghị quyết cụ thể hóa các chế độ, chính sách theo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên…, đảm bảo phát huy được hiệu quả thiết thực, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy đề ra. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát, khảo sát trên nhiều lĩnh vực, kịp thời chỉ ra nguyên nhân những tồn tại, vướng mắc, cũng như kiến nghị các giải pháp cụ thể, qua đó tạo điều kiện để chính quyền địa phương chủ động, linh hoạt trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, tại Kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa VII sẽ thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, tạo cơ chế, chính sách, điều kiện để thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể:
Trong lĩnh vực đầu tư công, HĐND tỉnh sẽ xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022; phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2022. Quyết định chủ trương đầu tư đối với 20 dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó: Một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, tạo tiền đề, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như dự án Sửa chữa đường Đầm Môn ĐT651, đoạn KM14+370-KM17+900; dự án Kè và đường dọc bờ Nam sông Cái, đoạn qua xã Diên An, huyện Diên Khánh. Các dự án sửa chữa, gia cố hệ thống hồ chứa, đập tràn, đập dâng tại các địa phương trong tỉnh, đáp ứng đủ các điều kiện an toàn, đảm bảo công năng của hồ thủy lợi trong phòng, chống lũ và tích nước phục vụ sản xuất. Một số dự án đầu tư trong lĩnh giáo dục, y tế, thể thao cũng được HĐND tỉnh thảo luận tại kỳ họp này nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất; đáp ứng nhu cầu công tác của đội ngũ giáo viên, học sinh, các y bác sĩ và vận động viên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với việc thực hiện các chế độ, chính sách, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua mức chi hỗ trợ tiền ăn (80.000 đồng/ngày) đối với người điều trị nhiễm COVID-19 tại cơ sở y tế công lập theo thời gian điều trị thực tế kể từ ngày 01/4/2022. Chính sách này sẽ giúp người phải điều trị COVID-19, đặc biệt là đối tượng khó khăn, người có bệnh nền, đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh xem xét, thông qua nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Thời gian qua, Đề án điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã được triển khai thực hiện tại 100% xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng được bố trí cho mỗi xã quá ít (chỉ 05 đồng chí), trong khi địa bàn các xã rất rộng, chia nhiều thôn, tổ, rất khó khăn cho việc quản lý, nắm địa bàn, tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn về an ninh - trật tự. Mặc dù tỉnh đã thực hiện duy trì sử dụng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ để tiếp tục tham gia đảm bảo an ninh - trật tự ở cơ sở nhưng chưa có quy định về mức phụ cấp dành cho đối tượng này, không tạo được động lực thu hút người tham gia (hiện nay toàn tỉnh chỉ có 55 đồng chí). Việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết nêu trên là điều hết sức cần thiết, tạo điều kiện để lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, cùng với lực lượng công an xã chính quy nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, tạo môi trường an toàn để phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng sẽ thông qua nghị quyết về quy định mức chi giải thưởng báo chí (Giải Báo chí Khánh Hòa hàng năm), nhằm nâng cao giá trị tôn vinh những tác phẩm xuất sắc; động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của những người làm báo; qua đó, kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những tài năng báo chí tỉnh nhà. Trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách, HĐND tỉnh dự kiến mức chi cho giải Nhất là 15.000.000 đồng; giải Nhì 10.000.000 đồng; giải Ba 8.000.000 đồng và giải Khuyến khích 3.000.000 đồng.
PV: Được biết, Thường trực HĐND tỉnh vừa tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5 (trong khi theo thông lệ, hoạt động tiếp xúc cử tri được diễn ra trước mỗi kỳ họp giữa năm và cuối năm). Xin đồng chí chia sẻ thêm về điều này.
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn: Ngay sau khi kết thúc Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (tháng 6/2021), dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến tỉnh phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong một thời gian dài. Điều này đã ảnh hưởng việc tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khoá VII.
Đến tháng 10/2021, khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tại một số địa phương, Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4. Đây là dịp để đại biểu HĐND tỉnh trúng cử ra mắt, gặp gỡ cử tri nơi mình ứng cử; thông báo với cử tri một số nội dung và tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị. Tuy nhiên, một số địa phương (thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa) tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, dẫn đến việc tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trực tiếp vẫn chưa thực hiện được.
Ngày 25/01/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 270/QĐ-UBND công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh (theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ) là cấp độ I (nguy cơ thấp – tương ứng với màu xanh) và trở về trạng thái bình thường mới. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc trực tiếp với cử tri thành phố Nha Trang và thị xã Ninh Hòa trước Kỳ họp thứ 5.
Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp thu, ghi nhận 61 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: Việc chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; cấp phát thuốc điều trị COVID-19; công tác quản lý an ninh - trật tự tại địa phương; tiến độ triển khai các dự án đầu tư (dự án Trường Đại học Khánh Hòa, các dự án Phúc Khánh I, II và Tấn Trường II; dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại; dự án Khu đô thị mới Phước Long…); việc di dời các cơ sở giết mổ gia súc, sản xuất nước mắm, nhà máy thuốc lá Khánh Hòa ra khỏi khu dân cư… Các kiến nghị của cử tri đã được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo tổng hợp đầy đủ và chuyển đến UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu giải quyết và trả lời cho cử tri ngay từ kỳ họp này.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Thực hiện: Thanh Bình, VPTU