Chiều 25-6, tại Khánh Hòa, Bộ Nội vụ phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức hội thảo nghiên cứu xây dựng đề cương Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; đồng chí Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội thảo. Dự hội thảo còn có đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo 33 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở vào.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất chủ trương xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung vào dự thảo Đề cương luật như: Những lý do cần thiết để xây dựng luật, đối tượng, phạm vi áp dụng... Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để Bộ Nội vụ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9.
Đồng chí Nguyễn Khắc Định phát biểu chào mừng
Kết luận hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến đóng góp và yêu cầu Bộ Nội vụ quan tâm xây dựng đề cương theo hướng thể chế hóa được phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát; nên giới hạn ở khái niệm thực hành dân chủ tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của dân chủ phù hợp với nước ta; cân nhắc kỹ khi tích hợp các văn bản quy định về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để luật có tính khả thi. Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời rà soát các văn bản pháp luật khác để dự luật trên thể hiện tính mới, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Được biết, những năm qua, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đang thực hiện theo một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện dân chủ chưa đồng bộ. Vì vậy, Bộ Nội vụ đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó, quan trọng nhất là thể hiện được các chính sách lớn, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở; trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, hình thức giải trình...
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202006/hoi-thao-xay-dung-de-cuong-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-8170772/