Ngày 11/9/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng các đại biểu thả hoa tưởng niệm tại địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) (xã Ninh Vân - Ninh Hòa)
Theo Chỉ thị, trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa (gọi tắt là di tích) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã đạt được một số kết quả như: Một số di tích đã được gắn bia, tôn tạo cảnh quan, gắn với quảng bá và phát triển du lịch; giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ... Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích còn một số hạn chế, khó khăn như: Một số di tích chưa lập hồ sơ xếp hạng, nhất là các di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến của tỉnh; việc khoanh vùng một số di tích để xác định khu vực bảo vệ I cần bảo vệ nguyên trạng; việc khai thác giá trị của di tích phục vụ tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa được quan tâm đúng mức...
Vì vậy, để tăng cường thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
1. Khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc di tích, bia di tích theo đúng quy định pháp luật. Trước mắt, lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc xác định vị trí khu vực bảo vệ I đối với các di tích là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy trong 2 cuộc kháng chiến chưa xếp hạng: Đồng Bò (Nha Trang), Đồng Trăn (Diên Khánh), Hòn Hèo, Đá Bàn (Ninh Hòa); trong đó, cần xác định khu vực bảo vệ I, các kiến trúc, hiện vật cần bảo tồn nguyên trạng hoặc phục dựng lại; đảm bảo giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Có kế hoạch tu bổ, tôn tạo các di tích, nhất là các di tích đã xuống cấp. Thường xuyên tu bổ, tôn tạo các di tích tích là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy đã được xếp hạng: Hòn Dù, Hòn Dữ (Khánh Vĩnh), Tô Hạp (Khánh Sơn).
2. Nghiên cứu nâng cấp và đầu tư hoàn chỉnh một số di tích có điều kiện gắn với phát triển du lịch như: Căn cứ cách mạng Đồng Bò (Nha Trang); Địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) (xã Ninh Vân - Ninh Hòa), Khu Di tích mộ bác sĩ Alexandre Yersin (xã Suối Cát - Cam Lâm)... Khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch gắn với các khu di tích; các tuyến, điểm du lịch kết nối với các di tích. Việc đầu tư, nâng cấp di tích phải đảm bảo hài hòa các mục tiêu: Đúng quy định pháp luật; giữ gìn, tôn tạo cảnh quan di tích; phát triển du lịch; nâng cao đời sống của người dân; tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa; bảo vệ an ninh - quốc phòng.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về giá trị của các di tích, nhất là ý nghĩa, vai trò của các di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến của tỉnh; về sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích... với các hình thức như: Dã ngoại về nguồn; xây dựng tài liệu tuyên truyền, phóng sự, thi tìm hiểu...
4. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tùy theo đặc điểm, điều kiện của địa phương, xây dựng kế hoạch phù hợp để triển khai các nhiệm vụ nêu trên; tập trung một số nội dung : Chỉ đạo UBND cùng cấp phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao khảo sát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích thực hiện các thủ tục đề nghị xếp hạng di tích; đồng thời, tổ chức quản lý và phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật. Có chính sách nâng cao đời sống của người dân trong vùng di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến của tỉnh; tuyên truyền, huy động Nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Quan tâm hỗ trợ kinh phí tu bổ, bảo vệ các di tích và hiện vật gắn với di tích đang nằm trong khuôn viên đất, nhà ở của người dân (hầm bí mật), đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình cơ sở cách mạng, nhất là những dịp lễ, tết. Chỉ đạo ban tuyên giáo cùng cấp xây dựng tài liệu tuyên truyền về các di tích, nhất là di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến trên địa bàn.
5. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:
- Sở Văn hóa và Thể thao: Tham mưu UBND tỉnh Đề án đầu tư, nâng cấp một số di tích có điều kiện gắn vi phát triển du lịch (nêu tại mục 2). Tham mưu việc giao quản lý, sử dụng các di tích theo quy định của pháp luật. Thường xuyên rà soát, kiểm tra hiện trạng các di tích, nhất là di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích. Phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc di tích đối với các di tích chưa xếp hạng. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa trong học sinh, sinh viên. Phối hợp với Sở Du lịch biên tập tài liệu thuyết minh, giới thiệu về các di tích trên địa bàn tỉnh phục vụ hoạt động du lịch.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, các ngành, các địa phương, tham mưu thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch gắn với di tích, đảm bảo các yêu cầu nêu tại mục 2; khảo sát, định hướng xây dựng các tuyến, điểm du lịch kết nối với các di tích.
6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các địa phương, đơn vị có liên quan trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng di tích là căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến, cần rà soát diện tích, giới hạn đất quốc phòng, khu vực hạn chế phát triển kinh tế, làm cơ sở cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch.
7. Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương cho thế hệ trẻ.
8. Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa: Tăng cường các bài viết, phim tài liệu về di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, tập trung xây dựng phim, phóng sự, bài viết giới thiệu về các di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến (nêu tại mục 1).
Nguyên Lộc, Văn phòng Tỉnh ủy