Dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát ở Khánh Hòa hơn 2 tháng qua. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, tỉnh Khánh Hòa đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống dịch; triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và không kém phần linh hoạt… Nhờ đó, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đến lúc này cơ bản đã được kiểm soát, nhiều địa phương cấp huyện không còn xuất hiện ca nhiễm mới. Sau ngày 8-9, tỉnh Khánh Hòa sẽ bước sang giai đoạn mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với chủ trương không cứng nhắc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo cấp hành chính, thay vào đó là áp dụng các biện pháp linh hoạt trong phòng chống dịch và nới lỏng giãn cách xã hội có lộ trình, theo mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về những vấn đề trên.
|
DỊCH BỆNH ĐƯỢC KIỂM SOÁT
- Xin đồng chí cho biết những kết quả mà Khánh Hòa đã đạt được sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh?
- Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân:
Sau hơn 2 tháng quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Khánh Hòa đứng thứ 6 cả nước về số ca mắc Covid-19 nhưng số ca tính đến 17 giờ ngày 7-9, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 7.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là TP. Nha Trang với 4.000 ca. Tuy nhiên, đến nay, số bệnh nhân được điều trị khỏi và ra viện 5.503 ca, chiếm tỷ lệ 78,13%. Từ đầu tháng 9-2021 đến nay, số ca mắc mới có chiều hướng giảm rõ rệt. Đặc biệt, từ ngày 4 đến 7-9 toàn tỉnh không có ca mắc cộng đồng.
Trong thời gian qua, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh… đã tiến hành khoanh vùng, lập chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại từng khu vực dân cư, tuần tra, giám sát và tiến hành tầm soát lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách các F0, F1 ra khỏi cộng đồng để đưa đi điều trị, cách ly tập trung. Các địa phương thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện nghiệm quy định giãn cách, thực hiện 5K, thường xuyên đánh giá, kiểm tra, giám sát vùng nguy cơ cao, nguy cơ. Đồng thời, các địa phương tiến hành tầm soát, khoanh vùng diện rộng khi phát hiện có ca nghi ngờ hoặc ca nhiễm Covid-19 tại địa phương, không để dịch lây lan sang các vùng khác. Các địa phương thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục giữ vững các “vùng xanh” và giảm tối đa các “vùng vàng”. Nhờ đó, đến nay đến nay, qua đánh giá, toàn tỉnh có 609 thôn, tổ dân phố bình thường mới “vùng xanh”, 123 thôn, tổ dân phố nguy cơ “vùng vàng”, 69 thôn, tổ dân phố vùng nguy cơ cao “vùng cam”, chỉ còn 167 thôn, tổ dân phố nguy cơ rất cao “vùng đỏ”.
Trong thời gian qua, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm là 278.948 liều vắc xin , trong đó có 248.057 người được tiêm mũi 1 và 48.347 người được tiêm 2 mũi.
Như vậy, về cơ bản, toàn tỉnh đã kiểm soát được dịch Covid-19. Dịch sẽ không bùng phát trở lại trong thời gian tới nếu chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Ranh tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp hành chính về giãn cách, giám sát chặt khu cách ly dân cư, người dân thực hiện nghiêm 5K.
|
ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
- “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc điều tra, truy vết, cách ly và điều trị những ca nhiễm thì việc đảm bảo đời sống của người dân là hết sức quan trọng, nhất là người dân sống trong các khu vực phong tỏa. Tỉnh Khánh Hòa đã làm những gì để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, thưa đồng chí?
- Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân:
Dịch Covid-19 bùng phát tại Khánh Hòa từ cuối tháng 6 đến nay đã tác động lớn đến đời sống của người dân, người lao động. Bên cạnh các hoạt động phòng, chống dịch thì công tác an sinh xã hội cũng được tỉnh quan tâm. Tính đến ngày 6-9, UBND tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 2.516 F0 và 6.092 F1 với số tiền 14,2 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho 45.216 người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác với số tiền hơn 84,3 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương đưa tiền hỗ trợ đến tận tay người dân, góp phần giúp bà con giảm bớt khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng thành lập Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh. Đến nay, Trung tâm đã trích hơn 13,3 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và mua lương thực, thực phẩm cứu trợ; phân bổ gần 2.500 tấn gạo (bao gồm hơn 2.000 tấn gạo do Chính phủ cấp) và tất cả số nhu yếu phẩm, rau củ quả, thiết bị y tế đến các tổ chức, người dân. Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều đợt lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tổ tự quản an toàn trong phòng, chống dịch; các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các hộ trọ, gia đình chính sách, già làng, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, lao động tự do; cơ sở bảo trợ xã hội, các mái ấm tôn giáo, các bếp ăn khu cách ly tập trung toàn tỉnh, người nước ngoài khó khăn... góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch, quyết tâm không để hộ nào thiếu đói.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phát động đến các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm và mọi tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ, đóng góp tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm…; đồng thời, tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà cho các cá nhân, hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hình ảnh các tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, các nhà hảo tâm không ngại khó khăn, gian khổ và cả nguy hiểm mang lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân thực sự là những hình ảnh cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam. Nhờ đó, người dân trong tỉnh đã yên tâm thực hiện quy định “ai ở đâu, thì ở đó” để phòng, chống dịch bệnh, có niềm tin vào sự thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
|
HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI DÂN
- Trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch hơn 2 tháng vừa qua, chính quyền các cấp đã nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, cũng có những nơi, những lúc còn lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh. Tỉnh Khánh Hòa đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì sau đợt cao điểm về phòng, chống dịch vừa qua, thưa ông?
- Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân:
Qua thực tiễn công tác chống dịch đợt cao điểm vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã rút ra các bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp, các đồng chí trong Ban chỉ đạo, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương; biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời đối với đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Thứ ba, kêu gọi, khuyến khích người dân tích cực ủng hộ, trực tiếp tham gia và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa bàn cơ sở, thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” tại địa bàn dân cư sinh sống; phát huy vai trò của các Tổ tự quản, Tổ Covid-19 cộng đồng tại các địa bàn dân cư trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ tư, các khu vực cách ly, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng "chặt ngoài lỏng trong" để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch.
Thứ năm, công tác phòng chống dịch phải chủ động các phương án, kịch bản tương ứng với số ca mắc. Cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng. Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư y tế và các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ phòng chống dịch kịp thời theo đúng kịch bản đã được xây dựng.
|
Thứ sáu, tập trung chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Thứ bảy, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, thông tin kịp thời, chính xác tình hình diễn biến dịch bệnh, giới thiệu các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch. Kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Thứ tám, nâng cao nguồn nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch; huy động nguồn nhân lực hỗ trợ từ đội ngũ sinh viên ngành y, đoàn thanh niên, tình nguyện viên… tham gia công tác lấy mẫu, hỗ trợ chăm sóc người bệnh.
Thứ chín, huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội; sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đối với công tác phòng, chống dịch.
LINH HOẠT TRONG BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH
- Thường trực Tỉnh ủy đã xác định, dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ còn kéo dài, phải chấp nhận “thích ứng an toàn” với dịch bệnh. Vậy, xin đồng chí cho biết trong thời gian tới tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch như thế nào để vẫn kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo đưa đời sống xã hội trở lại với trạng thái “bình thường mới”?
- Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân:
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, đã xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ở trong nước và trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa dịch bệnh tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, nếu không kiểm soát chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch thì dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại. Tuy nhiên, nếu kéo dài việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội triệt để trên diện rộng sẽ ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định chấp nhận “thích ứng an toàn” với dịch bệnh. Theo đó, kể từ ngày 8-9, tỉnh sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chủ trương áp dụng các biện pháp linh hoạt trong phòng chống dịch và nới lỏng giãn cách xã hội có lộ trình, theo mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố; không cứng nhắc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo cấp hành chính. Tiếp tục triển khai và hoàn thành việc lấy mẫu tầm soát cộng đồng, xem đây là một giải pháp quan trọng để chủ động xác định, khoanh vùng, truy vết, khống chế dịch; từng bước xác định, mở rộng, bảo vệ “vùng xanh”, vùng an toàn trên từng địa phương, nhất là TP. Nha Trang.
Thứ hai, bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay, bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
|
Thứ ba, căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các ngành, các địa phương. Ủy ban nhân dân các huyện kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch; nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc thực hiện 5T (Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tận gia - Test Covid tất cả - Tiêm chủng tại phường/xã) và các biện pháp bảo đảm an toàn đối với Covid-19; đồng thời, chuẩn hóa quy trình, tập huấn, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng để ứng phó, giải quyết có hiệu quả trong mọi tình huống xảy ra.
Thứ năm, tăng cường năng lực thu dung, điều trị; trang bị thêm máy móc, vật tư y tế cần thiết để tiến hành điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, theo hướng dẫn về phân tuyến điều trị và chuyển viện của Sở Y tế.
Thứ sáu, hoàn thiện và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh khi nới lỏng giãn cách xã hội, bảo đảm tiến độ giải ngân các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công. Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thứ bảy, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo số lượng vắc xin được phân bổ; tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia ủng hộ, tài trợ vắc xin phòng Covid-19; xây dựng kế hoạch tiếp nhận, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân tỉnh Khánh Hòa để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.
- Xin cám ơn đồng chí!
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202109/khanh-hoa-co-ban-kiem-soat-duoc-dich-covid-19-8228025/