Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh; qua đó đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư trong giai đoạn tới.
Những kết quả đạt được
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 35-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã xác định việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tiến hành đồng bộ, gắn với việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ; đã phát huy được thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trồng trọt thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học tạo ra nhiều giống mới mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn lực về công nghệ sinh học được quan tâm đầu tư; tập trung đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sinh sản, tạo giống nhân tạo có chất lượng cao, sạch bệnh phù hợp với điều kiện của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu, chiết xuất, tinh chế và sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong thực phẩm góp phần giảm đáng kể việc tiêu thụ hóa chất độc hại ảnh hướng đến sức khỏe con người, qua đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho việc canh tác các loại cây trồng như: tỏi, bắp, hoa cúc vạn thọ, lúa, mía, sắn; bảo tồn các nguồn gen đặc hữu, các nguồn gen có nguy cơ thất thoát và tuyệt chủng cao. Một số kết quả về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh:
Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã nghiên cứu, triển khai 11 đề tài về nuôi trồng thủy sản, đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm đối với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như tu hài, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá bớp... tạo nên thế mạnh của tỉnh và tiêu thụ rất mạnh ở các tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam. Về trồng trọt, đã nghiên cứu và triển khai 16 đề tài về trồng trọt, qua đó tạo ra nhiều giống cây trồng mang thương hiệu đặc trưng vùng miền của tỉnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa địa phương, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như: bưởi Năm Roi, bưởi Da xanh, bưởi Da xanh ruột hồng, sầu riêng hạt lép, dừa Dứa, dừa Xiêm lùn, xoài Cát hòa Lộc, xoài Úc...; lúa chịu hạn, chịu mặn, mía tím, sắn cao sản, mía chịu hạn, tỏi,...Về chăn nuôi, đã áp dụng công nghệ sinh học đưa nhiều giống nuôi mới vào sản xuất như: heo đen, gà h’mông, đà điểu, bò lai, thỏ NewZealand, dê bách thảo... giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Lai (phải)- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm thăm quan vườn xoài Úc chất lượng cao của hộ ông Hồng
Về lĩnh vực y - dược, đã phối hợp, phát huy tiềm lực của các tổ chức khoa hoc và công nghệ Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh như Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế, Viện Pasteur Nha Trang, Phân viện Thú y miền Trung. Ứng dụng công nghệ sinh học chủ yếu trong sản xuất vắc xin, thuốc, chuẩn đón và điều trị bệnh.
Về lĩnh vực môi trường, nhiều đề tài, dự án ứng dụng công nghệ sinh học vào nghiên cứu sản xuất các chế phẩm, sản phẩm sinh học để ứng dụng vào trồng trọt và chăn nuôi như: sản xuất chế phẩm sinh học lectin từ cây tỏi làm thuốc diệt sâu hại cho rau xanh; chế biến phụ phẩm cây mía làm thức ăn cho gia súc; sản xuất nấm xanh Metarhizium anisopliae tại nông hộ để phòng trừ rầy nâu hại lúa. Triển khai ứng dụng các chế phẩm sinh học vào nông nghiệp như ứng dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ; ứng dụng chế phẩm Nolamix xử lý chất thải hữu cơ. Việc áp dụng mô hình ủ phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi gà thịt thương phẩm trên đệm lót sinh học; ứng dụng công nghệ hầm Biogas để xử lý nước thải trong sản xuất bún... đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất và cung cấp các sản phẩm an toàn.
Về phát triển công nghiệp công nghệ sinh học, Công ty Yến sảo Khánh Hòa triển khai ứng dụng kết quả các đề tài “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn yến trong nhà ở Khánh Hòa”, đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” để triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh với 600 nhà yến và chuyển giao công nghệ thành công trên 500 nhà yến tại các tỉnh thành khác trong nước. Xây dựng thành công các quy trình sản xuất serum chống lão hóa, kem dưỡng da và mặt nạ dưỡng da Yến sào Khánh Hòa... Trong lĩnh vực y dược, đã sản xuất fucoidan khối lượng phân tử thấp, có hoạt tính sử dụng cho nghiên cứu lâm sàng giảm lipid máu...
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa tham quan Nhà máy Nguyên liệu yến sào Khánh Hòa (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh)
Nhìn chung, các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra nhiều quy trình công nghệ trong các lĩnh vực: sản xuất giống nhân tạo một số đối tượng thủy sản có giá trị (tu hài, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá bớp, cá chẽm, ốc hương...), lai tạo sản xuất một số giống cây trồng cho năng suất chất lượng cao, chống chịu được điều kiện thời tiết khô hạn, sâu bệnh (lúa chịu hạn, chịu mặn, mía tím, sắn cao sản, mía chịu hạn, năng suất cao, tỏi, đậu, dừa xiêm, xoài...). Việc ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đến nay, đã có 80% cây trồng sử dụng giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; phát triển giống heo theo hướng nạc hóa; tỷ lệ bò lai Sind trên 80% tổng đàn... Một số cây trồng, vật nuôi chủ lực hiện nay không ngừng gia tăng về diện tích và năng suất thu hoạch (so với trước khi triển khai thực hiện đề tài). Tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết và dịch bệnh nhưng nhờ ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học đã góp phần duy trì tốc độ phát triển hàng năm của ngành nông nghiệp từ 2,5-3%. Tính đến hết năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 620 triệu USD, đưa ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 9,07% tỷ trọng cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu công nghệ sinh học vào nuôi trồng, sản xuất đã giúp đào tạo kỹ thuật viên là người địa phương, vừa giải quyết nhu cầu việc làm, vừa đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng việc ứng dụng công nghệ sinh học tại địa phương còn nhiều hạn chế, cụ thể:
Trước hết, sự phối hợp, liên kết giữa các sở, ban, ngành của tỉnh với các viện, trường Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh trong nghiên cứu và triển khai công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đẩy mạnh, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống một số địa phương, đơn vị còn hạn chế do chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nguồn lực đầu tư của địa phương cho các dự án phát triển công nghệ sinh học, các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học còn hạn chế; việc tập trung vào một số lĩnh vực là thế mạnh của địa phương như thủy sản, nông nghiệp, dẫn đến ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chăn nuôi còn hạn chế.
Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở mức độ quy mô phòng thí nghiệm; mặt khác còn gặp rất nhiều khó khăn khi tìm doanh nghiệp chịu tiếp nhận và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất để tạo thành sản phẩm hàng hóa do thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển. Bên cạnh đó, đặc thù của ứng dụng công nghệ sinh học, như nuôi cấy mô tế bào nhằm lai tạo, phục tráng, nhân nhanh, tạo ra giống mới... cần chi phí đầu tư khá lớn. Vì thế giá thành cây giống ban đầu là khá cao, người dân chưa thể chấp nhận ngay được, dẫn đến cây giống nuôi cấy mô chưa thể thương mại hóa do chưa thể cạnh tranh với một số đơn vị, địa phương khác thuộc các thành phố lớn trong cả nước, do vậy không có đầu ra ổn định. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nhất là cán bộ đầu ngành, các chuyên gia giỏi còn ít. Cán bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của địa phương làm công tác nghiên cứu ứng dụng rất ít, phân tán ở nhiều lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, lại chưa được đào tạo chuyên sâu, vì vậy chưa cập nhật và tiếp cận kịp thời các tiến bộ của công nghệ sinh học trong và ngoài nước.
Định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2030
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, tỉnh Khánh Hòa xác định một số nội dung trọng tâm trong ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, cụ thể:
(1) Tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại tỉnh. Nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học mà tỉnh có lợi thế để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội như: Lai tạo một số giống cây trồng, các giống về thủy sản có năng suất và chất lượng cao; ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong chẩn đoán và điều trị bệnh; nghiên cứu, chiết xuất, tinh chế và sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ môi trường; chú trọng bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm của tỉnh; tiếp thu có chọn lọc các thành tựu trong và ngoài nước, triển khai ứng dụng tại địa phương. Phấn đấu xây dựng Khánh Hòa trở thành một trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học của cả nước.
(2) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Từng bước đáp ứng nhu cầu bố trí kinh phí đầu tư, máy móc thiết phục vụ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học cho các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm và khảo nghiệm.
(3) Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa tỉnh với các trường, viện của Trung ương đứng chân trên địa bà tỉnh. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực làm công tác công nghệ sinh học từ cấp tỉnh đến cấp huyện giai đoạn 2020 - 2030 và khảo sát nhu cầu thực tế hàng năm. Có cơ chế và tạo điều kiện mở rộng mối liên kết, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học trong tỉnh, trong nước và quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đồng thời triển khai ứng dụng những thành tựu nghiên cứu công nghệ sinh học vào thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế xã hội hóa và khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia tích cực vào việc ứng dụng công nghệ sinh học vào nghiên cứu và sản xuất cũng như sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học có thương hiệu Việt Nam.
(4) Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học. Chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác an toàn thực phẩm bảo đảm sức khỏe và đời sống Nhân dân. Phát triển và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học – công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, phục vụ thiết thực và có hiệu quả trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng thương hiệu một số sản phẩm ở các ngành, nghề có chất lượng và có giá trị kinh tế cao, nâng cao sức cạnh tranh cả trong nước và xuất khẩu.
(5) Tăng cường ứng dụng các đề tài nghiên cứu, dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh, đưa các mô hình tại các trung tâm nghiên cứu đạt kết quả tốt vào triển khai thực hiện trên địa bàn. Phát huy, nhân rộng các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các đề tài nghiên cứu khoa học trong tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản sạch bệnh, có chất lượng tốt đưa vào cơ cấu sản xuất, thúc đẩy nhanh tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, nâng cao năng suất, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững. Xây dựng hệ thống các cơ sở nghiên cứu - ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học đủ năng lực, có khả năng nghiên cứu và tiếp nhận, ứng dụng triển khai phát triển từ tỉnh xuống huyện; nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, chuyển giao ứng dụng, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
CTV - Nguyên Lộc