Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành báo cáo đánh giá tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.
Kết quả đạt được
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, Thông báo Kết luận số 26-TB/TW của Ban Bí thư và Thông tri số 14-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã xác định việc đẩy mạnh công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tiến hành đồng bộ, gắn với việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội phù hợp thực tế của địa phương, đơn vị. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Với sự nỗ lực của mình và nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, kinh tế các hộ gia đình và đời sống Nhân dân dần được ổn định, thoát nghèo bền vững.
Việc triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình, khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Với hệ thống các giải pháp đồng bộ của tỉnh trên lĩnh vực công tác gia đình đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mức sống gia đình ngày được nâng cao, giải quyết việc làm cho nhiều người dân, tăng thêm thu nhập cho gia đình và phúc lợi xã hội; đặc biệt quan tâm đến điều kiện sống của các gia đình chính sách và hộ nghèo, gia đình vùng miền núi, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Do đó, công tác gia đình ở địa phương đã từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và không có bạo lực.
UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhận có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2008-2018
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, đến nay toàn tỉnh Khánh Hòa có 86% cơ quan, 87% gia đình, 85% thôn/tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra); 100% huyện, xã thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình, hoạt động hiệu quả; công tác bình đẳng giới được quan tâm đúng mức, nhận thức của cộng đồng và xã hội về bình đẳng giới không ngừng nâng lên, công tác bảo vệ trẻ em được quan tâm; tỷ lệ bạo lực trong gia đình và tệ nạn xã hội xâm nhập giảm bình quân hàng năm từ 10 - 15%; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,4% năm 2010 xuống còn 3,06% năm 2019 (đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%, số lao động có việc làm tăng bình quân 11,4 nghìn người/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó mỗi giới (nam và nữ) đều chiếm tỷ lệ trên 45%. Các chính sách xã hội luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt; đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở nông thôn, phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình ở Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình có lúc, có nơi thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện công tác gia đình. Công tác truyền thông, vận động và triển khai công tác gia đình ở một số nơi chưa thực hiện thường xuyên, sâu rộng; nội dung và hình thức tuyên truyền chưa hấp dẫn, hiệu quả. Tình trạng kết hôn không đăng ký, tảo hôn, quan hệ tình dục và nạo, phá thai trước hôn nhân tuy có giảm nhưng không đáng kể. Tình trạng bạo lực gia đình và ly thân, ly hôn có chiều hướng gia tăng. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn tồn tại trong nhiều gia đình, kể cả ở thành thị dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở còn thiếu, yếu về chuyên môn; nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn hẹp, hoạt động của các mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng còn hạn chế; chưa thành lập được các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
Phương hướng thời gian tới
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW của Ban Bí thư, tỉnh Khánh Hòa xác định một số nội dung trọng tâm trong phát triển công tác gia đình thời gian tới như sau:
(1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền về lĩnh vực công tác gia đình, xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác xây dựng và phát triển gia đình gắn với việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
(2) Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 23/10/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; và các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
(3) Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và người dân về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
(4) Thực hiện có hiệu quả các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, chính sách ưu đãi phát triển kinh tế, trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình; quan tâm đặc biệt đến gia đình chính sách, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ và phát triển dịch vụ xã hội để chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.
(5) Tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chủ động kiểm soát và giải quyết tốt những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bất bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các gia đình điển hình, địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác gia đình.
(6) Chính quyền các cấp hàng năm cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới…; các chương trình, kế hoạch và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác gia đình.
(7) Kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở đủ sức để tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, thực hiện tốt công tác gia đình.
CTV - Nguyên Lộc