Sáng ngày 11/6/2018, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018). Đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đến dự Lễ kỷ niệm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, trở thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ phong trào thi đua ái quốc đã lan rộng cả tiền tuyến và hậu phương, sau sáu năm Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, dân tộc ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 70 năm đã đi qua, nhưng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự sâu sắc, nguyên vẹn giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
Đối với Khánh Hòa, hưởng ứng ba phong trào chính, xuyên suốt và mang tính chủ đạo là phong trào diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm, Nhân dân trong tỉnh đã phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của địa phương là tăng vụ, mở rộng khai hoang phục hóa và bắt đầu áp dụng một số kỹ thuật canh tác mới để tăng sản lượng lương thực, giải quyết việc thiếu đói trong dân cũng như thanh toán được nạn mù chữ cho đồng bào ở nhiều vùng thuộc các huyện đồng bằng trong tỉnh. Đối với phong trào diệt giặc ngoại xâm, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chiến tranh nhân dân, bảo vệ vùng tự do, tập kích đánh trận, tạo nên những chiến công vang dội gắn liền với nhiều địa danh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trải qua những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân trong tỉnh luôn một lòng yêu nước, khát khao độc lập tự do, vượt qua khó khăn gian khổ, quyết tâm giải phóng dân tộc và đã đánh bại âm mưu chiến lược của thực dân Pháp, góp phần cùng với cả nước giành thắng lợi năm 1954.
Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Được Nhân dân đùm bọc, che chở, không ngừng kiện toàn, củng cố, phát triển, trưởng thành, cùng với sự hỗ trợ và kết hợp với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã liên tục lập nhiều thành tích, phá tan kế hoạch dồn dân, lập ấp chiến lược, buộc địch phân tán lực lượng, làm cho chúng bị động khắp nơi. Các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ này đã trở thành động lực thúc đẩy toàn dân, toàn quân trong tỉnh tiến lên giải phóng tỉnh nhà, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, đó là: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội… Trong nhiều năm qua, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Trung ương phát động đã được các ngành, các cấp trong tỉnh hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực.
Có thể nói rằng, thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, đến nay phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua ngày càng đi vào thực chất, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị, tạo động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập...; đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận, phong tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý.
Công tác khen thưởng cũng từng bước được đổi mới, hướng về cơ sở nhiều hơn; quan tâm nhiều hơn đối với việc khen thưởng thành tích đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, nhất là ở các địa bàn khó khăn, miền núi.

Giao lưu các điển hình tiên tiến
Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy. Trong đó, chú ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong các phong trào thi đua, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và đảng viên, công chức, viên chức phải là lực lượng đi đầu, là hạt nhân thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua. Công tác thi đua phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, được theo dõi chặt chẽ và đáp ứng kịp thời.
Thứ hai, Chú trọng xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Việc tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện hiệu quả Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị, gắn với triển khai đồng bộ, có hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội và phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; triển khai tốt Đề án xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; phấn đấu sớm đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh giàu và đẹp của cả nước.
Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới việc biểu dương, khen thưởng; bảo đảm kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc; lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân tiêu biểu, người trực tiếp lao động, sản xuất.
Thứ ba, Tiếp tục gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh.
Thứ tư, Tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa cơ quan chuyên trách thi đua, khen thưởng với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông trong việc phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Các cơ quan thông tin, truyền thông dành nhiều thời lượng hơn, mở thêm chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền các phong trào thi đua, nêu gương các điển hình tiên tiến; tổ chức nhiều cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và tạo điều kiện để các điển hình được tuyên truyền, báo cáo tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Đ/c Bí thư Tỉnh ủy trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về thi đua yêu nước đã được kết tinh trong suốt 70 năm qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh và sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến, đổi mới, thiết thực hơn nữa, góp phần xây dựng và phát triển Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” cho 14 tập thể thuộc các Cụm, Khối thi đua của tỉnh Khánh Hòa; Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen cho 50 tập thể và 56 cá nhân là điển hình tiên tiến tiêu biểu của tỉnh Khánh Hòa được biểu dương, tôn vinh.
Thái Bình - Văn phòng Tỉnh ủy