Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa với bề dày lịch sử 70 năm với bao nhiêu thăng trầm. Riêng hơn 20 năm gần đây, đoạn đường lịch sử tuy không dài nhưng đủ để nhìn thấy sự biến chuyển đáng kể trong công tác giảng dạy của Trường.
Trụ sở mới của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại Đại lộ Nguyễn Tất Thành, Phước Đồng, thành phố Nha Trang
Về đối tượng, người học của Trường Chính trị xưa nay vẫn là lực lượng cán bộ, công chức, nên ngoài chương trình đào tạo lý luận chính trị trung cấp thì Trường Chính trị vẫn mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và các lớp tập huấn cán bộ đoàn thể. Ngoài ra, trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo huấn luyện cán bộ, Nhà trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để phổ biến hoặc bổ túc thêm các kiến thức mềm bổ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên.
Dù đối tượng người học của Trường Chính trị vẫn là cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, nhưng nội dung và phương pháp truyền đạt đã có những điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.
Hai mươi năm trước, công nghệ thông tin tuy đã phát triển nhưng trong hệ thống các cơ quan nhà nước, chỉ một số cơ quan có ứng dụng, còn nhiều cơ quan vẫn sử dụng rất hạn chế, kiến thức tin học vẫn chưa được phổ cập đến mọi cán bộ công chức, nền hành chính vẫn chủ yếu làm việc thủ công, các cơ quan chưa có hệ thống thông tin kết nối, máy tính được trang bị chủ yếu để đánh văn bản. Nên, thời đó, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đều nặng về cung cấp kiến thức, cung cấp thông tin hơn là hướng dẫn phương pháp tiếp cận, đồng thời, yêu cầu của chương trình cũng không chú ý nhiều đến kỹ năng thực hành. Giảng lý luận chính trị tuy học viên có tài liệu giáo trình nhưng giảng viên vẫn thỉnh thoảng phải đọc cho người học ghi chép một vài đoạn. Người học trung cấp lý luận chính trị thời đó có cả đối tượng chưa tốt nghiệp phổ thông, nên khi kết thúc khóa học, ai đã tốt nghiệp phổ thông thì được cấp bằng, ai chưa tốt nghiệp phổ thông thì nhận giấy chứng nhận.
Hiện nay, tiêu chuẩn cứng để được đào tạo trung cấp lý luận chính trị phải là đã tốt nghiệp phổ thông. Hơn thế, người học bây giờ có rất nhiều người là thạc sĩ, có cả một số tiến sĩ. Vì vậy, đối với giảng viên, làm thế nào để chinh phục được người học là việc không đơn giản. Người giảng và người học sẽ cùng nhau chinh phục tri trức, cùng nhau chia sẻ các kỹ năng. Giảng viên sẽ đóng vai trò dẫn dắt.
Giảng viên và học viên tương tác theo phương pháp giảng dạy tích cực
Trước đây, hệ thống ngạch bậc công chức hành chính không phân thành chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp như bây giờ, nên các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngày đó chỉ có lớp bồi dưỡng trung cao. Sau này, có rất nhiều loại hình lớp gồm bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch bậc và theo vị trí việc làm. Ngạch bậc thì có cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính. Có giai đoạn có cả lớp bồi dưỡng tiền công vụ. Nay, loại lớp này không còn nữa. Song, có thêm những lớp khác như bồi dưỡng trí thức trẻ, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho lãnh đạo cấp phòng. Với các nhóm đối tượng khác nhau, chương trình có những yêu cầu khác nhau nên bài giảng phải có những đầu tư rất riêng biệt. Khi người học được phân loại rõ, những nhóm đối tượng với các đặc điểm về trình độ, về thâm niên, về kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn trong chính công tác quản lý nhà nước, đó là những thách thức rất lớn đối với công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị hiện nay.
Ngày trước, ngoài trung cấp lý luận chính trị, Nhà trường mở khá nhiều lớp tập huấn mang tính phổ biến kiến thức. Đơn cử như lớp tập huấn kiến thức về dân số và các vấn đề xã hội cấp bách, lớp bồi dưỡng kiến thức về thị trường hóa kinh tế nông thôn, lớp tập huấn kiến thức về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lớp tập huấn kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, lớp tập huấn kiến thức về thị trường chứng khoán… Ngày nay, thông tin được cập nhật khá tốt trong hệ thống các cơ quan, hơn nữa, có mạng internet hỗ trợ, mỗi công chức, viên chức, cán bộ có thể dễ dàng tiếp cập, cập nhật, vì vậy, việc tập huấn chủ yếu về bồi dưỡng kỹ năng, như tập huấn kỹ năng viết tin bài, tập huấn kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực,… Do cách tiếp cận vấn đề đã khác, nên nội dung các lớp học đã có những thay đổi rất rõ rệt.
Quá trình biến chuyển hiện ra theo chiều dài lịch sử của Nhà trường, trước hết là về chuẩn hóa đội ngũ. Nếu như 20 năm trước, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường chủ yếu là cử nhân, chỉ có 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, thì nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đã có 23 thạc sĩ và 5 giảng viên đang học cao học. Mỗi năm, ngoài việc cho giảng viên đi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, Nhà trường đều tổ chức thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa, cấp trường để các giảng viên học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên. Trong 13 năm trở lại đây, trong các hội thi giảng viên dạy giỏi khối các trường chính trị trong cả nước do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũng đã ghi được những thành tích cao. Những năm gần đây, Trường Chính trị còn có chương trình cho giảng viên đi thực tế cơ sở, hơn nữa giảng viên Nhà trường cũng có những nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ nhận thức lý luận và thực tiễn của bản thân. Mỗi năm, giảng viên Nhà trường đều có những bài viết trên tạp chí khoa học, có những đăng ký nhiệm vụ và được nhận triển khai nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh.
Từ những thay đổi về chương trình, về đối tượng, về yêu cầu, công tác giảng dạy của Trường Chính trị đã có những điều chỉnh đáng kể về mục tiêu của công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; mục tiêu của từng khóa học. Xác định được nhu cầu của người học và yêu cầu của việc truyền đạt, thì quan niệm về dạy học cũng thay đổi. Dạy học không chỉ là quá trình truyền bá tri thức, càng không phải là quá trình truyền đạt một chiều, mà dạy học là quá trình trao đổi, người dạy truyền lửa, chia sẻ phương pháp tư duy. Dạy học bây giờ là quá trình cả người học và người dạy cùng nhau chinh phục những điều mới. Qua đó, học viên và giảng viên học hỏi lẫn nhau, ai cũng nhặt được những điều thú vị cho riêng mình. Tuy cũng còn một số hạn chế, nhưng xu hướng biến chuyển ấy là tích cực. Mỗi giảng viên Trường Chính trị đều phải nỗ lực để khẳng định được vai trò là người dẫn dắt trong hoạt động dạy học đầy khó khăn thách thức, thực hiện được nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cho tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
Nhìn lại một đoạn đường, với quá trình hơn 20 năm lịch sử của Nhà trường, những biến chuyển trong công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên của Trường là rất đáng ghi nhận.
Kim Chung - Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa