Sinh thời Bác Hồ thường nhắc nhở chúng ta: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”. Thực hiện lời dạy của Bác, Tỉnh ủy Khánh Hòa luôn xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thông qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp của Nhân dân về xây dựng và thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị; về lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động của các cơ quan tư pháp; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; ghi nhận, xử lý, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên… góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất tư tưởng chính trị, hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp, tạo đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân.
Thời gian qua, Khánh Hòa được biết tới không chỉ là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch và các ngành kinh tế biển mà còn là tỉnh có tốc độ phát triển – kinh tế xã hội tương đối nhanh cả về dịch vụ - du lịch, công nghiệp, nông nghiệp. Trong quá trình thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kinh tế - xã hội, triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng, giao thông, khu dân cư hiện đại, văn minh... đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong vùng thực hiện các dự án, do đó, vẫn còn nhiều trường hợp khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, còn có một số khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội, chính sách người có công, kỷ luật của cán bộ, công chức, khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp... Về nội dung tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài chính, thi hành án, thực hiện chính sách xã hội, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, bao che người bị tố cáo, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật... Trong những người đi khiếu nại, tố cáo, có những người khiếu nại, tố cáo đúng, mong muốn được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết công minh, đúng pháp luật, bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp mặc dù việc khiếu nại đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình nhưng vì thiếu hiểu biết, hoặc vì cố chấp mà vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Một số người đi khiếu nại, tố cáo có thái độ gay gắt, tụ tập đông người trước các cơ quan hành chính nhà nước để gây áp lực làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở địa phương.
Để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành: Quy định số 11-QĐi/TU, ngày 07/6/2019 về tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị gửi đến Tỉnh ủy; Quyết định số 1017-QĐ/TU, ngày 02/7/2019 ban hành Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 21/02/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp; Hướng dẫn số 04-HD/TU hướng dẫn cấp ủy cấp huyện, cấp ủy cấp xã thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Các tập thể có thành tích xuất sắc được khen tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ chính trị
Trong thời gian tới, với quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế thấp nhất việc người dân bức xúc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân các chủ trương, chính sánh của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ và Nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.
Thứ hai, cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; cấp ủy cấp huyện, cấp xã tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí địa điểm, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.
Thứ ba, các cấp chính quyền có kế hoạch giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân công trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo; cần thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, kết luận rõ đúng, sai, đề ra phương án giải quyết phù hợp, có lý, có tình; giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người ngay từ cơ sở, nhất là những vấn đề bức xúc của dân trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án trọng điểm của tỉnh, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phát sinh điểm “nóng” về an ninh, trật tự tại địa phương mình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm, định kỳ sơ kết, tổng kết các chủ trương, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để đánh giá khách quan, toàn diện kết quả và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện. Từ đó, nhân rộng những cách làm hay và khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, người đứng đầu cấp ủy các cấp cần thiết gần dân, sâu sát và hiểu dân hơn, thực sự phát huy dân chủ, lấy “dân là gốc”, giải quyết thấu đáo thắc mắc, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và có những quyết sách đúng đắn, để ý Đảng hợp lòng dân./.
Ngọc Xuân-Ban Nội Chính Tỉnh ủy