Theo ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh Khánh Hòa có 59.339 lồng nuôi thủy sản, với hơn 8.000 lao động; trong đó, TP. Cam Ranh có số lượng lớn nhất với 44.000 lồng, huyện Vạn Ninh có 10.000 lồng, TP. Nha Trang có 4.266 lồng và thị xã Ninh Hòa có 1.073 lồng. Những ngày qua, các Trạm Thủy sản trực thuộc Chi cục Thủy sản đã tích cực phối hợp với lượng lượng biên phòng, UBND các địa phương ven biển tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp neo chắc lồng bè nuôi trồng thủy sản, hạ độ cao các lồng chìm để ứng phó với cơn bão số 9; vận động người dân trên các lồng bè nuôi thủy sản khẩn trương vào bờ. Đến sáng 23-11, vẫn tiếp tục vận động, sơ tán tiếp 3.600 lao động trên các lồng bè, trước 16 giờ 23-11 cho đến khi hết bão phải vào bờ.
Đối với tàu cá hoạt động trên biển, toàn tỉnh hiện có 277 tàu với 598 thuyền viên hoạt động ven bờ; khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận có 15 tàu, với 157 thuyền viên; khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có 1 tàu, với 2 thuyền viên; khu vực Kiên Giang có 40 tàu, với 353 thuyền viên và khu vực Trường Sa có 11 tàu, với 100 thuyền viên. Hiện, các tàu cá này đều đã đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 9, tìm nơi tránh trú an toàn. Đối với việc neo đậu tránh trú bão số 9 cho tàu cá, Lãnh đạo Trung tâm quản lý khai thác các công trình thủy sản tỉnh thông tin: Đến ngày 23-11, Cảng Hòn Rớ đã tiếp nhận hơn 600 tàu về tránh trú; khu vực neo đậu Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) có 350 tàu về; Cảng Đá Bạc (TP. Cam Ranh) có hơn 80 tàu. Ngoài ra, toàn bộ tàu cá tại Cảng Đại Lãnh đã di chuyển về neo đậu tại khu vực Đầm Môn; tàu cá ở Vĩnh Lương đã di chuyển về Cảng Hòn Rớ.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt cho hay, toàn tỉnh hiện có gần 8.300 ha lúa vụ mùa, lúa hiện đang ở giai đoạn ngậm đòng và đỏ đuôi. Từ sau cơn bão số 8, toàn tỉnh có trên 1.200 ha lúa ở Ninh Hòa, Cam Ranh và Cam Lâm bị ngập úng và trên 60 ha kiệu, khoai sáp, tỏi, rau màu… ở các địa phương Ninh Hòa, Cam Ranh, Cam Lâm bị dập nát, úng ngập. Hiện nay, ngoài diện tích trên, toàn tỉnh có khoảng 23.000 ha rau, đậu, ngô, khoai, sắn, mía ở nhiều giai đoạn đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng của cơn bão số 9. Chi cục trồng trọt đã tập trung hướng dẫn người dân tiến hành thu hoạch sớm đối với một số nông sản đã đến hoặc sắp đến kỳ thu hoạch. Tiến hành thống kê diện tích, giai đoạn sinh trưởng của cây trồng để làm cơ sở hỗ trợ cho người dân trong trường hợp bị thiệt hại nặng bởi thiên tai.
|
Đối với ngành Chăn nuôi – thú y, để chủ động ứng phó với cơn bão này, ngành đã tiến hành thông báo đến các chủ trang trại lớn, có biện pháp chằng chống, gia cố chuồng trại đảm bảo an toàn. Di chuyển đàn vật nuôi khỏi vùng có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng các bệnh thường gặp trên đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ, tăng hàm lượng thức ăn để vật nuôi chống chịu tốt hơn với điều kiện thời tiết cực đoan.
Tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó cơn bão số 9, trong sáng 23-11, ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục bám sát diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác phòng chống bão số 9 theo nhiệm vụ được phân công của từng đơn vị; trong những ngày nghỉ, lãnh đạo các đơn vị phải bố trí trực 24/24.
Đối với ngành Thủy sản tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển nắm chắc số lượng lồng bè, diện tích nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc chằng chống, neo chắc lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, sơ tán lao động trên các lồng bè vào bờ. Nắm chắc tình hình hoạt động của các tàu cá trên biển, liên lạc, thông tin về tình hình của bão để ngư dân tìm nơi tránh trú an toàn.
Đối với các chủ hồ chứa, theo dõi diễn biến của thời tiết để tiến hành xã điều tiết, tích nước hợp lý theo phương án đã được duyệt, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, vừa đảm bảo tích nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho năm 2019.
Đối với Trung tâm quản lý khai thác các công trình thủy sản tỉnh, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Thủy sản tạo điều kiện, hỗ trợ sắp xếp tàu thuyền vào các khu vực tránh trú bão an toàn.
Đối với Phòng quản lý công trình, tiến hành rà soát các công trình nông nghiệp nông thôn; chỉ đạo các đơn vị thi công sẵn sàng phương án bảo vệ các công trình đang thi công. Các đơn vị trong toàn ngành tùy chức năng nhiệm vụ của mình áp dụng các phương án bảo đảm an toàn trụ sở, kho tàng, tài liệu. Tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai.
Theo Báo Khánh Hòa