Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đang cần những tấm lòng sẻ chia từ cộng đồng. Do vậy, tối 28-9, Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh sẽ tổ chức Chương trình “Nối vòng tay nhân ái” để tạo quỹ, kết nối, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên…
Ông Nguyễn Tấn Tuân cùng các đơn vị tài trợ trao quà cho những địa chỉ nhân đạo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh.
|
Cần lắm sự sẻ chia
Nguyễn Đặng Mỹ Như (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) mới 7 tuổi mà đã mắc bệnh ung thư máu. Nhìn thân hình gầy yếu hàng ngày phải chống chọi với cơn đau quặn thắt của Như, ai cũng xót thương. Chị Đặng Thị Mỹ Dung (mẹ Như) nghẹn ngào cho biết: “Như sinh ra lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Đến năm 2014, tự nhiên cháu bị đau nhức trong xương, chân tay teo lại nên gia đình đưa đi khám thì phát hiện bị ung thư máu”. Từ đó đến nay, định kỳ 2 tháng, gia đình phải đưa Như vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 để chạy thuốc, mỗi lần kéo dài 2 tháng. Chi phí cho mỗi đợt chạy thuốc hơn 14 triệu đồng. Là hộ nghèo, gia đình chị vẫn phải chi trả hơn 2 triệu đồng.
Đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến thăm và trao quà cho em Nguyễn Đặng Mỹ Như.
|
Hôm chúng tôi đến thăm, cả gia đình đang phải tá túc nhà ông bà nội vì căn nhà của vợ chồng chị Dung bị lốc xoáy làm sập mái nhưng chưa có tiền để lợp lại. Căn nhà cấp 4 chưa tô trát, vợ chồng chị vay mượn xây trả góp cách đây gần 10 năm vẫn chưa trả hết nợ. Như nằm co ro bên góc nhà, nước mắt ứa ra vì đau nhức nhưng không dám khóc lớn vì sợ 2 em nhỏ thức giấc. Anh Nguyễn Ngọc Thủy (chồng chị Dung) đi làm thuê mỗi ngày kiếm được gần 200.000 đồng. Chị Dung mới sinh con nhỏ nên không thể đi làm. Để có tiền chữa bệnh cho con, từ năm 2014, vợ chồng chị vay mượn hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị Dung đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội.
Hoàn cảnh gia đình ông Trần Rí (72 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xuân Hồng (63 tuổi, thôn Bình Trung 1, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) cũng rất éo le. Cả 2 ông bà không còn sức lao động nhưng phải nuôi 3 đứa cháu nhỏ. Đã vậy, cuối năm 2017, con trai ông bà là Trần Quốc Phong (lao động chính của gia đình) bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Để cứu chữa cho con, ông bà đành bán căn nhà và vay mượn được 130 triệu đồng nhưng vẫn không đủ tiền điều trị nên phải đưa con về nhà sống thực vật. Chính vì quá nghèo, lần lượt các cháu phải bỏ học. Hiện nay chỉ còn một cháu học lớp 2. Do đã bán nhà nên bây giờ ông bà và các cháu phải chuyển về ở nhờ nhà con gái. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp thương tật của con trai 600.000 đồng/tháng và của một đứa cháu 600.000 đồng/tháng…
Gia cảnh anh Trương Ngọc Chung (thôn Vinh Bình, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) cũng éo le không kém. 2 vợ chồng không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy. Bố mẹ cho mảnh đất 50m2, không có tiền nên vợ chồng anh dựng tạm căn nhà mái tôn vách ván để ở. Trong căn nhà không có món đồ dùng nào giá trị ngoài cái ti vi cũ. Bàn ghế cũng không có nên 3 đứa con của anh phải nằm dưới sàn nhà để học. Anh Chung chia sẻ: “Năm 2017, hàng xóm cho gia đình mượn 2 sào đất để trồng màu, tôi mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng đầu tư trồng trọt, thế nhưng cơn bão số 12 đã cuốn trôi tất cả. Vừa rồi, tôi khai khẩn được 500m2 đất đồi, nhưng lại không có tiền để mua cây giống. Gia đình rất mong được giúp đỡ, tạo vốn để làm ăn, sớm thoát nghèo”.
Giúp đỡ người khó khăn
Hưởng ứng CVĐ “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, tháng 4-2017, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo CVĐ để đứng ra kêu gọi, kết nối những tấm lòng nhân ái. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, CVĐ hoạt động khá hiệu quả, thu hút được đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp kinh phí. Đồng thời, ngay sau đó tất cả các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập ban chỉ đạo cấp huyện.

Căn nhà của gia đình anh Trương Ngọc Chung.
|
Sau hơn 1 năm hoạt động, CVĐ đã tiếp nhận được hơn 900 triệu đồng. Số tiền này đã được trao cho 1.241 địa chỉ nhân đạo. Trong đó, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh tiếp nhận hơn 500 triệu đồng giúp đỡ hơn 500 địa chỉ nhân đạo. Những suất hỗ trợ tuy không nhiều nhưng phần nào giúp người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện điều kiện cuộc sống, tạo động lực để họ vươn lên. Ông Y Trị (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) chia sẻ: “Được CVĐ dành những suất hỗ trợ cho gia đình đó là động lực và điều kiện để tôi chăm sóc con gái bị bệnh hiểm nghèo được tốt hơn”. Bà Nguyễn Thị Nay (xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh) cũng cùng niềm vui: “Tôi đã 77 tuổi, không có thu nhập, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào con cái, đứa đi làm xa, đứa làm thuê nên cũng bữa đói, bữa no. Hiện nay được nhận hỗ trợ của CVĐ, tôi vui lắm!”…
Kết nối những tấm lòng
Đồng chi Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Việc tổ chức chương trình “Nối vòng tay nhân ái” phải đảm bảo theo tinh thần như một buổi lễ phát động để gây quỹ. Đồng thời, khi đã sinh ra quỹ thì phải duy trì, giữ gìn và phát triển ngày càng lớn mạnh để tiến tới không chỉ dừng lại ở hỗ trợ mà còn hình thành những địa chỉ nhận nuôi dưỡng, giúp đỡ thường xuyên những địa chỉ nhân đạo. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hãy thể hiện nghĩa cử cao đẹp để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn bằng tấm lòng nhân ái. Hy vọng CVĐ sẽ được nhân rộng hơn nữa, tiếp tục là cầu nối giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, góp phần khơi gợi, phát huy tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng. |
Ông Lê Văn Hoa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000 địa chỉ nhân đạo đang rất cần được giúp đỡ về vật chất, tinh thần để họ có động lực vươn lên, cải thiện cuộc sống. Ban chỉ đạo CVĐ đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm và đặt chỉ tiêu dài hạn. Theo đó, từ nay đến năm 2021, CVĐ sẽ trực tiếp hỗ trợ cho hơn 4.000 địa chỉ khó khăn. Trong đó, hướng đến bảo trợ hàng tháng chiếm 50%; hỗ trợ học bổng, học nghề 25%; hỗ trợ xây nhà, vốn, sinh kế 15% và phục hồi chức năng cho người khuyết tật 10%. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch và theo hướng bền vững. Chính vì vậy, để tạo nguồn quỹ, đồng thời kết nối những tấm lòng nhân ái, Ban chỉ đạo CVĐ “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh sẽ tổ chức chương trình văn nghệ “Nối vòng tay nhân ái” vào tối 28-9 tại Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu (62 Thái Nguyên, TP. Nha Trang). Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa. Tại chương trình, ngoài vận động, kêu gọi sự đóng góp, trao hỗ trợ cho một số hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo tỉnh sẽ trao giấy chứng nhận cho những đơn vị, cá nhân có đóng góp từ 50 triệu đồng trở lên.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: “Trực tiếp đến thăm những mảnh đời éo le, chúng tôi cảm thấy rất xót thương. Bởi hàng ngày họ phải sống cảnh khốn khó, nhất là những hộ bị bệnh hiểm nghèo. Chính vì vậy, công ty quyết định kêu gọi hơn 5.000 người lao động hỗ trợ 1 ngày lương. Đồng thời, ngoài tài trợ toàn bộ chi phí cho chương trình “Nối vòng tay nhân ái”, công ty còn ủng hộ cho quỹ 200 triệu đồng, tài trợ cho 1 địa chỉ đặc biệt khó khăn với số tiền 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest ủng hộ 50 triệu đồng cho quỹ. Với sự hỗ trợ này, đơn vị mong được đóng góp phần nhỏ bé để giúp đỡ những gia đình khó khăn hòa nhập cộng đồng, vươn lên cải thiện cuộc sống. Công ty cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với CVĐ trong những năm tiếp theo…”.
Chương trình “Nối vòng tay nhân ái” được đánh giá là hoạt động rất ý nghĩa. Đến với chương trình, chia sẻ tấm lòng nhân ái không chỉ giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người khó khăn vươn lên, mà đó còn là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.
Theo Báo Khánh Hòa