Ngày 2-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại điểm cầu Khánh Hòa, các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Công tác lập quy hoạch có những tiến bộ nhất định
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tiến độ lập các quy hoạch bước đầu đã có những kết quả khả quan. Đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, đã hoàn thành nội dung “Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển của quốc gia” và “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia”. Bộ đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương 2 lần và tổ chức nhiều buổi hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Ngoài ra, các bộ liên quan đã và đang lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Đối với quy hoạch vùng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng còn lại (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ; Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên). Đối với quy hoạch tỉnh, đã có 61/63 địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, trong đó tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt quy hoạch…
Các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh và Nguyễn Tấn Tuân dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.
Tại Khánh Hòa, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đạt được một số kết quả nhất định và có sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Từ tháng 6 đến tháng 8-2021, đơn vị tư vấn đã làm việc với các đơn vị liên quan thực hiện công tác khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phân tích đánh giá. Đến nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành đề cương, khung định hướng và dự thảo báo cáo lần 1. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, ngày 28-1, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành. Vì vậy, đơn vị tư vấn đang tiếp tục cập nhật nội dung nghị quyết và hoàn thiện những nội dung còn thiếu theo ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai công tác lập quy hoạch và đã có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa được như kế hoạch đề ra, chất lượng các quy hoạch chưa được như mong muốn. Nguyên nhân khách quan là do tác động của dịch Covid-19; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém. Nguyên nhân chủ quan là nhận thức về công tác quy hoạch của một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng tầm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số nơi chưa đúng mức; đầu tư cho công tác quy hoạch còn hạn chế, nhất là bố trí nguồn lực con người; việc tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa chủ động, khoa học, hợp lý; các quy định hiện hành trong luật, nghị định còn vướng mắc.
Cần chủ động, ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, khai thác, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn. Muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”. |
Theo UBND tỉnh, việc cho phép triển khai lập quy hoạch tỉnh đồng thời với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng là chủ trương phù hợp với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế, chính sách, quy định cụ thể về việc trao đổi, cập nhật thông tin dữ liệu quy hoạch giữa các bộ, ngành và địa phương nên trong quá trình lập quy hoạch tỉnh đã gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu nhanh cơ chế, giải pháp bằng cách áp dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, cập nhật, chia sẻ thông tin. Tại hội nghị, UBND tỉnh báo cáo dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ quy hoạch gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong tháng 3-2022; hoàn thành hồ sơ quy hoạch trình Hội đồng thẩm định thông qua vào tháng 4-2022; hoàn thành hồ sơ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6-2022.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tập trung, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, trình thẩm định và phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ nhưng phải đạt chất lượng tốt nhất. Việc lập quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, đồng thời phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; nhận định và chỉ ra những mâu thuẫn, thách thức, khó khăn trong quá trình thực hiện để đề xuất giải pháp giải quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu của việc lập các quy hoạch phải hướng đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ kết hợp hài hòa với khả năng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, không hy sinh công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202203/tap-trung-day-nhanh-tien-do-lap-quy-hoach-8244754/