Trong thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh đã tiếp tục quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; chỉ thị của Tỉnh ủy; nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC), gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, nhận thức về QCDC của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên đã được nâng lên.
Cụ thể, Ban Giám hiệu nhà trường và các tổ chức đoàn thể đã quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Kết luận 65-KL/TW, Kết luận 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 10-CT/TW, ngày 28/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị định 04/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện QCDC, Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện QCDC cơ sở ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 20/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó nhận thức về QCDC của viên chức, giảng viên và người lao động được nâng lên.
Khuôn viên Trường Chính trị tỉnh với không gian xanh
Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, như: Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của nhà trường; ban hành QCDC trong hoạt động của nhà trường; chỉ đạo tổ chức hội nghị cán bộ, công chức đầu năm đạt kết quả cao, đúng thời gian quy định; kiện toàn ban thanh tra nhân dân; xây dựng và bổ sung hệ thống quy chế nội bộ trong cơ quan kịp thời. Thông qua hội nghị cán bộ, công chức đầu năm, các giảng viên, viên chức, người lao động trong nhà trường được tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của cơ quan, đơn vị như: Bàn các biện pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường theo kế hoạch tỉnh giao, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp trong Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu nội bộ cơ quan; thông qua các báo cáo về thu, chi tài chính, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác, thực hiện giải quyết đời sống giảng viên, viên chức, người lao động.
Ngoài ra, việc thực hiện QCDC đã được gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, từ đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc của giảng viên, viên chức, người lao động. Hàng năm, nhà trường đã phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua giữa người đứng đầu với các khoa khoa, phòng, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên về chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tiêu cực, thực hiện văn hóa giao tiếp văn minh, thân thiện... Các nội dung “Cán bộ, công chức, viên chức được biết, được tham gia ý kiến, được giám sát, kiểm tra” theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai trong cơ quan có hiệu quả thiết thực. Giảng viên, viên chức, người lao động luôn thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng và thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của nhà trường.
Người đứng đầu cơ quan và các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên) đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện QCDC cơ sở, phát động phong trào thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua thực hiện dân chủ trong nhà trường, nhận thức của giảng viên, viên chức, lao động tiếp tục được nâng lên và có chuyển biến tích cực, đề cao trách nhiệm, thực hiện nội quy, quy chế cơ quan, nội bộ nhà trường đoàn kết, không để xảy ra tiêu cực, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Đối với nội dung thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan: Nhà trường đã phân công trách nhiệm trong Ban Giám hiệu, các khoa, phòng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm tính dân chủ và đúng nguyên tắc, luôn có sự bàn bạc thống nhất. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền đã tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan đến liên hệ công việc. Cán bộ, giáo viên của Trường đã thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, có mối quan hệ tốt, đúng mực với học viên, thường xuyên giữ mối quan hệ công tác giữa các cơ quan trong tỉnh cũng như các trường chính trị trong cụm thi đua, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III và hệ thống các trường chính trị cả nước. Thực hiện gửi báo cáo định kỳ hàng tháng, quý và xây dựng lịch công tác tuần đầy đủ. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các công việc liên quan tới phản ánh, đề xuất của các khoa, phòng, đoàn thể và giảng viên, nhân viên, học viên nhà trường.
Có thể khẳng định, việc Đảng ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Công đoàn và Đoàn Thanh niên tổ chức thực hiện tốt các quy định về QCDC đã góp phần xây dựng môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh; nâng cao hiệu quả việc bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có cơ hội phát huy được tính tích cực, tự giác thực hiện và hoàn thành tốt công việc được giao, góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, công đoàn ngày càng vững mạnh.
ThS. Nguyễn Thị Lệ Hằng - Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh
* Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo kết quả xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2019
và phương hướng hoạt động quy chế dân chủ ở cơ sở năn 2020 của Đảng ủy Trường Chính trị.
2. Giáo trình Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính “Những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa”. NXB Chính trị - Hành chính năm 2017.
3. Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan (ban hành kèm theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của CQHCNN và đơn vị sự nghiệp công lập (cơ quan, đơn vị) )