Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành báo cáo đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thực hiện
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X và Thông tri số 02-TT/TU, ngày 27/12/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa việc thực hiện trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với công tác của hội chữ thập đỏ trong tình hình mới. Vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của hội chữ thập đỏ được tăng cường. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về kinh phí, tổ chức, biên chế, trụ sở làm việc, trang bị xe ô tô và các trang thiết bị văn phòng cho Hội Chữ thập đỏ hoạt động; có nhiều chủ trương đúng đắn, phù hợp, giúp hội hoạt động có hiệu quả và thu hút ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các phong trào do hội phát động.
Sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành đối với hội chữ thập đỏ được cụ thể hóa, đa dạng và thiết thực hơn, tạo được nhiều phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tổ chức hội chữ thập đỏ trong công tác nhân đạo, từ thiện.
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ ra mắt Quỹ Trợ giúp nhân đạo Khánh Hòa; trao tặng hoa và Thư cảm ơn các sở, ngành, doanh nghiệp đã đóng góp ủng hộ Quỹ (sáng ngày 29/5/2019)
Phong trào hội chữ thập đỏ trong tỉnh ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực; nội dung và phương thức hoạt động của hội từng bước được đổi mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; trở thành phong trào rộng khắp và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần thiết thực trong công tác nhân đạo của tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2020, hội chữ thập đỏ các cấp được Trung ương Hội, UBND tỉnh tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen.
Công tác cán bộ hội luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhiều cán bộ hội được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác tổ chức hội và hội viên không ngừng phát triển, từng cấp hội được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào hoạt động của hội được tổ chức đều khắp ở địa bàn dân cư, hoạt động có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tổ chức hội chữ thập đỏ trong sự nghiệp nhân đạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau: Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, Thông tri số 02-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở một số cấp ủy, nhất là cấp cơ sở chưa đồng bộ, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Một số cấp ủy đảng nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của hội chữ thập đỏ nên chưa phát huy được sức mạnh của tổ chức hội và hội viên trong hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương. Trong khi đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động cho hội chữ thập đỏ các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu về điều kiện, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động nhất là đối với hội cơ sở.
Trong công tác quản lý, điều hành hoạt động, Hội Chữ thập đỏ tỉnh vẫn mắc một số sai phạm trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, về nguyên tắc tài chính dẫn đến phải xử lý kỷ luật 02 đồng chí lãnh đạo. Một số tổ chức hội ở xã, phường chưa chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, thực hiện công tác hội chữ thập đỏ; nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa tạo được động lực để thu hút, gắn bó hội viên; chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến để tạo động lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của phong trào. Đội ngũ cán bộ làm công tác hội ở cơ sở thường xuyên có sự biến động, còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ công tác.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới
Để phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
(1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác chữ thập đỏ và hoạt động nhân đạo: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư và Thông tri số 02-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh hơn nữa trong nhận thức và trách nhiệm đối với công tác hội chữ thập đỏ. Xác định công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy đảng và các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hội chữ thập đỏ các cấp hoạt động; tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân đối với công tác hội. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, khuyến khích các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo, từ thiện; giáo dục cán bộ, hội viên hội chữ thập đỏ, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ của hội chữ thập đỏ.
Các cấp chính quyền tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Luật hoạt động Chữ thập đỏ và Nghị định số 03/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật hoạt động Chữ thập đỏ; quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cho hội hoạt động; có cơ chế, chính sách để tổ chức hội có điều kiện tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ hội các cấp; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách đối với cán bộ hội ở cơ sở. Phát huy tính chủ động trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền; phối hợp hoạt động của tổ chức hội với các ngành, đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình dự án phát triển vì mục tiêu nhân đạo, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
(2) Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa hội chữ thập đỏ với các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể: Xây dựng quy chế phối hợp với các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động nhân đạo, mở rộng nội dung và nâng cao chất lượng phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể với hội chữ thập đỏ các cấp, nhất là ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm các chương trình, kế hoạch liên tịch, kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn.
Vận động, tổ chức các chương trình, hoạt động xã hội nhân đạo, chăm lo đối tượng nghèo, tàn tật, nâng cao chất lượng hoạt động về ứng phó với các tình huống khẩn cấp, phòng, chống thiên tai; triển khai đều khắp các hoạt động chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, vận động hiếu máu nhân đạo và các nguồn quỹ hội để chăm lo cho người nghèo. Phát huy tinh thần nhân đạo quốc tế, thực hiện nhiệm vụ đoàn kết cứu trợ quốc tế, góp phần giúp đỡ người nghèo và phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai.
(3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội chữ thập đỏ các cấp: Tiếp tục thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ, Nghị định số 03/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Hội chữ thập đỏ các cấp tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động; duy trì và phát triển các hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua. Tích cực vận động, huy động nguồn lực cho hoạt động nhân đạo; tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức hội các cấp, xây dựng và mở rộng các phong trào tình nguyện chữ thập đỏ; tiếp tục quan tâm công tác cán bộ hội làm nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo từ thiện; tích cực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ các đối tượng nghèo.
CTV - Nguyên Lộc