Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình hành động số 39-CTr/TU, ngày 24/6/2020 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động này là nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với thực hiện các đột phá chiến lược về công nghệ; hoàn thành quá trình chuyển đổi số, mà trọng tâm là đề án chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Chương trình hành động đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, có 100% doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và trên 50% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số; hoàn thành việc thiết lập hạ tầng để thành phố Nha Trang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị thông minh. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam hướng tới nền chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; phát triển mô hình đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, kết nối mạng lưới đô thị thông minh quốc gia. Đưa ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh Khánh Hòa thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á về chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng dựa trên nền tảng áp dụng, khai thác các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư kết hợp với khai thác tốt giá trị của cơ sở hạ tầng…
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình hành động đề ra 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Đổi mới, nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn của tỉnh để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; Triển khai các chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; Triển khai thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực; Triển khai thực hiện chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; Tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các cơ quan tham mưu Tỉnh ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động này; xác định rõ những nội dung cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện với lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện tình hình thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo ban hành và trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách để thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, cụ thể Chương trình hành động này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh; xây dựng kế hoạch triển khai với lộ trình và nội dung phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chương trình hành động này; phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan.
CTV- Nguyên Lộc