Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng thụ, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích đó là: dân làm chủ và dân là chủ.
Thành công của Đảng ta là đã biết tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của Nhân dân. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Bởi vì, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.
Về chăm lo đời sống nhân dân: Theo Chủ Tịch Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.
Ngày nay, nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - thời đại kỹ thuật số, nền kinh tế số, việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân, huy động được sức dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân vô cùng quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác dân vận có vai trò rất quan trọng nư Bác Hồ kính yêu đã nói: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Về phương pháp dân vận: đây là vấn đề được Hồ Chí Minh đặt ra với những yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gần dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Đối với cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận, là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Người cán bộ dân vận phải tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, ban hành được đường lối, chính sách hợp lòng dân; phải hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân và biết loại trừ những thông tin nhiễu, không khách quan, không đúng sự thật.
Vận dụng những nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy; cán bộ, đảng viên trong hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn tỉnh đều cố gắng thực hiện tốt 6 thao tác, xem đó là tiêu chí của từng cá nhân, đó là phải có“óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, luôn phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm, có tác phong giản dị, hòa mình với quần chúng.
Qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã cho thấy, việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu hiểu được hiệu quả mang lại từ phong trào “Dân vận khéo”. Từ đó, định hướng rõ nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn, từng loại hình, từng địa phương, đơn vị phải thực sự hướng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực của người dân, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện đổi mới công tác dân vận theo hướng bám sát thực tiễn, hướng về cơ sở và thực hiện công tác dân vận theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 130 -KH/TU, về thực hiện Kết luận số 43-KL/TW, của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày về “nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017 – 2020” với những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị các tiêu chí xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; chú trọng xây dựng, phát hiện, nhân rộng, tuyên dương những mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, những tấm gương tốt có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Đến nay, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đi sâu vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế và phạm vi tác động rộng, thực hiện liên danh, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân trong quá trình đô thị hóa, kết hợp hài hòa lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân với lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhờ “khéo” vận động nên nhiều công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế ở địa phương đạt hiệu quả; qua đó, làm chuyển biến nhận thức, động viên các thành phần kinh tế hăng hái tham gia, phát triển. Trong 3 năm từ (2017-2019) toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 1.068 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó có 428 mô hình về phát triển kinh tế; 276 mô hình về văn hoá - xã hội; 218 mô hình về đảm bảo an ninh quốc phòng; 146 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Năm 2018, 10 cá nhân được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các mô hình “Dân vận khéo” đã có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan toả trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đ/c Trần Thị Thụy – Trưởng phòng dân vận các cơ quan Nhà nước và Tổng hợp
tham luận tại buổi tọa đàm
Với những kết quả đã đạt được về công tác dân vận trong toàn tỉnh thời gian qua, yêu cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận nhằm tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, với quyết tâm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên và những người làm công tác dân vận cần phải:
Một: có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giải quyết nhanh chóng kịp thời trong công tác tham mưu và các công việc có liên quan. Thực hiện phong cách dân vận, nói đi đôi với làm, thực hiện tư cách người cán bộ dân vận chân thành, giản dị, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm và gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Hai: không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, học tập lý luận chính trị, để ngày càng nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba: nêu cao trách nhiệm gương mẫu, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nâng cao tính tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, lối sống của bản thân giúp cho cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận ngày càng có phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, tư duy khoa học, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Hơn 70 năm qua, lời dạy của Bác trong tác phẩm “Dân vận” không những phát huy được giá trị thực tiễn mà còn là chân lý soi sáng cho sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn cách mạng mới, những người làm công tác dân vận khắc sâu những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận nói chung, về tác phong của những người làm công tác dân vận nói riêng; phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của người cán bộ, đảng viên, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt, bền vững giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện công tác dân vận một cách sâu rộng, có hiệu quả chính là góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra.
Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước và Tổng hợp
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)