Báo chí có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng, là tuyến đầu xung kích trong công tác tư tưởng, lý luận, luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Chiêu trò nguy hiểm của các thế lực thù địch
Hiện ở Việt Nam có hàng trăm loại mạng xã hội khác nhau, đa số đều của các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Phải kể đến Facebook, Zalo, Youtube, Messenger, Tik Tok, Google+, Instagram, Mocha, Flickr. Bên cạnh đó, với các ứng dụng Viber, Telegram, Skype, Whatsapp dùng nhắn tin có độ bảo mật cao.
Các thế lực thù địch điên cuồng chống phá nước ta với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt, đặc biệt là lợi dụng Internet, mạng xã hội chống phá, không từ một thủ đoạn nào, từ xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi nhọ nhân cách và phẩm giá, đến đánh giá phiến diện, sai trái; tìm mọi cách “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh, bài bác, hòng phủ nhận tư tưởng của Người, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Các phần tử phản động còn ra sức rêu rao: “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là điều kiện cần thiết để thực thi dân chủ ở Việt Nam”. Chúng phát tán các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung xấu, độc; đăng tải thông tin thật giả lẫn lộn nhằm đả kích, phủ nhận thành tựu đổi mới của Việt Nam. Lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta gần đây mà khoét sâu, bóp méo cho rằng, đây chỉ là sự “thanh lọc” trong nội bộ chứ không phải vì mục đích phục vụ sự phát triển của đất nước; vu cáo tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, thể chế một đảng không thể chống được tham nhũng. Chúng núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc”, “chủ quyền lãnh thổ”… để xúi giục, lôi kéo, tập hợp dư luận, gây nghi ngờ, tâm lý hoang mang, bất mãn, bức xúc trong Nhân dân, dẫn đến bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Đồng thời, chúng còn tấn công trực tiếp vào nền báo chí cách mạng Việt Nam, với chiêu bài “tự do báo chí’, “tự do ngôn luận”. Chúng tung luận điệu Đảng “vi phạm quyền tự do báo chí”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, hòng âm mưu tách rời báo chí khỏi sự lãnh đạo của Đảng, để báo chí mất phương hướng chính trị, mất tính chiến đấu.
Thực chất đây là kiểu quy chụp, chúng đưa những thông tin xuyên tạc, tự bịa đặt, suy diễn, kích động nhằm làm giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó có vai trò tiên phong của báo chí nước ta.
Phát huy mạnh mẽ vai trò báo chí xung kích, định hướng
Những năm qua, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đây là nội dung cơ bản, tư duy mới, quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là hệ thống báo chí, xuất bản, truyền thông đóng vai trò xung kích quan trọng hàng đầu, tiên phong và nòng cốt.
Thời kỳ đổi mới và hội nhập, báo chí đã đi sát thực tế, thông tin, tuyên truyền kịp thời và phân tích sâu sắc các sự kiện mới; phát hiện và phản ánh trung thực những nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương người tốt, việc tốt, với phương châm “hướng mạnh về cơ sở” đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội; giới thiệu và chỉ ra cách giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm; định hướng dư luận xã hội lành mạnh, tuyên truyền, cổ vũ, động viên Nhân dân tích cực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Cùng với nhận diện, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực phản động, hệ thống cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đã tăng cường quản lý, kiểm soát các nội dung tuyên truyền, gỡ bỏ các thông tin đăng tải có nội dung sai trái, độc hại. Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực đổi mới công tác tuyên truyền các sự kiện chính trị, những vấn đề lớn của Đảng và đất nước; định hướng văn hóa, thẩm mỹ, phản ánh sinh động đời sống xã hội, góp phần nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ, nhu cầu thông tin của công chúng. Có tác phẩm được đăng tải, phát sóng trên các chuyên mục, chuyên trang với những chương trình, bài viết phân tích, luận giải, làm rõ những giá trị bền vững, tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, một số ấn phẩm tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, nhất là việc xuất bản những quyển sách: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Báo chí cũng có nhiều tác phẩm đấu tranh phản bác trực diện với thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, chủ quyền xuyên tạc chống phá Việt Nam, đồng thời chứng minh tính đúng đắn, có cơ sở pháp luật của Đảng ta về các vấn đề này ở Việt Nam.
Báo chí, xuất bản từng bước thể hiện vai trò giám sát, phản biện, làm rõ những vấn đề còn băn khoăn liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Khơi dậy và tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ kỷ cương pháp luật, gắn với tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phát huy vai trò của báo chí xung kích là tuyến đầu, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn, phản bác có hiệu quả từ sớm, từ xa các luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của toàn dân, góp phần phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và chế độ.
Trong gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước và con người Việt Nam, tạo ra thế mới, lực mới của dân tộc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông, sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền, đấu tranh phản bác
Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của báo chí. Báo chí phải phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tiếp tục là tuyến đầu, thực hiện nhất quán nguyên tắc hoạt động báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, luôn đi đầu trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thực hiện định hướng thông tin, quản lý phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí.
Hai là, cơ quan lãnh đạo, quản lý, chủ quản cần tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, xuất bản. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chăm lo công tác xây dựng Ðảng trong các cơ quan báo chí, xuất bản; đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, xuất bản.
Ba là, đội ngũ báo chí cần nâng cao nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động; cổ vũ công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính Nhân dân, tính chiến đấu, tính đa dạng; định hướng, chỉ đạo thông tin của cơ quan báo chí theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả; tăng cường trách nhiệm, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, nhất là đối với các vấn đề chính trị, đối ngoại, các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, khắc phục các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc.
Bốn là, báo chí, truyền thông đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường đăng tải các thông tin tích cực; chủ động thông tin chính thống chính xác, đầy đủ, kịp thời; bảo đảm định hướng dư luận xã hội lành mạnh. Chú trọng tuyên truyền đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch.
Năm là, xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ người làm báo bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, khả năng diễn đạt, thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đồng thời, mỗi nhà báo cần trang bị cho mình những kiến thức, năng lực ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin, nói và viết; tỉnh táo trước những thông tin, luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động để có phương thức đấu tranh, phản bác hiệu quả.
Sáu là, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của Nhân dân, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm, dân thụ hưởng”, để người dân thực sự là trung tâm, là mục tiêu, động lực và nguồn lực cho phát triển; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện của Nhân dân.
Bảy là, báo chí, xuất bản, truyền thông đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động; có chiến lược chuyển đổi số ở tầm vĩ mô và trong từng cơ quan; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới. Tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, lan tỏa và chiếm ưu thế trên không gian mạng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng và tạo sự đồng thuận xã hội.
Tám là, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí, xuất bản, truyền thông, nhất là kiểm tra, giám sát quy trình thẩm định, xử lý thông tin trước khi đưa lên sóng phát thanh, truyền hình, trang sách báo, cổ động, thông tin tuyên truyền; thận trọng trước các vấn đề nhạy cảm, phức tạp; phải xóa bỏ tận gốc nguồn thông tin xấu, độc; đồng thời phải cung cấp thông tin chính thống, chân thực, đúng đắn, kịp thời cho xã hội.
Để thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, cần có sự nỗ lực, quyết tâm, đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân. Với điều khởi sắc ấy, báo chí luôn phải là vũ khí thực sự sắc bén để “phò chính, trừ tà”, đồng hành cùng dân tộc.
ThS. Nguyễn Thanh Hoàng