Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Kết quả đạt được
Thời gian qua, chất lượng xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của tỉnh không ngừng được cải thiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chuyển biến tích cực. Từ năm 2005 đến hết tháng 6-2019, toàn tỉnh đã ban hành gần 1.600 VBQPPL; rà soát, kiểm tra gần 1.100 VBQPPL, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch, tài chính, tư pháp và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, rà soát thủ tục hành chính hơn 13 lĩnh vực quản lý nhà nước; qua đó phát hiện, xử lý gần 200 văn bản có sai sót, không còn phù hợp.
|
Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp có tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở hai cấp được nâng cao. Hoạt động tố tụng tư pháp luôn bảo đảm các bên có quyền tranh tụng tham gia để đưa ra tài liệu, chứng cứ, quan điểm yêu cầu tòa phân xử. Ngoài kế hoạch đào tạo chung, các kiểm sát viên còn được tập huấn kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo từng lĩnh vực giải quyết án, từng nhóm tội. Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm được bồi dưỡng kỹ năng xây dựng cáo trạng, luận tội, tranh tụng. Các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, đặc biệt là phiên tòa trực tuyến đã góp phần nâng cao kỹ năng tranh tụng...
So với năm 2005, hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ cử nhân luật trở lên tăng; riêng ngành Thi hành án dân sự tăng 8%, ngành Kiểm sát tăng 17%, ngành Tòa án tăng 19%. Tỷ lệ xử lý tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 100%. Tỷ lệ giải quyết án khởi tố đạt hơn 97%. Tỷ lệ án bị hủy, sửa thấp (án bị hủy chiếm 0,4%, án bị sửa nghiêm trọng chiếm 0,2%).
Còn tồn tại, vướng mắc
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 vừa qua, nhiều đại biểu nhìn nhận, hiệu quả hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế. Công tác theo dõi, thi hành pháp luật của một số sở, ngành, UBND cấp huyện còn hình thức. Chất lượng tranh tụng tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp và thi hành án còn hạn chế...
Theo đồng chí Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhiều quy định của Luật Ban hành VBQPPL còn chung chung, nhất là về quy trình xây dựng chính sách; văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, kịp thời. Một số sở, ngành ở địa phương còn lúng túng trong thực hiện các quy định có tính đột phá của Luật Ban hành VBQPPL. Khi xây dựng dự thảo VBQPPL, cơ quan soạn thảo còn thiếu rà soát, đối chiếu với quy định của cấp trên, thiếu điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá thực tế, chưa lấy đầy đủ ý kiến góp ý của đối tượng chịu tác động của văn bản. Hình thức phổ biến pháp luật có nơi còn chậm đổi mới, thiếu hấp dẫn.
Bên cạnh đó, hiện nay, mới có 1/18 sở, ngành có cán bộ pháp chế chuyên trách. Đội ngũ cán bộ pháp chế phải hoạt động kiêm nhiệm. Cán bộ, công chức tham mưu xây dựng văn bản ở cấp tỉnh chủ yếu kiêm nhiệm, vẫn thiếu kỹ năng phân tích, đánh giá, tổng hợp, soạn thảo văn bản, hạn chế về kinh nghiệm tham mưu xây dựng văn bản. Ở cấp huyện, xã, công chức làm công tác xây dựng văn bản thường xuyên biến động do luân chuyển.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, rất nhiều quy định của pháp luật hình sự còn vướng mắc nhưng chậm được hướng dẫn. Một số VBQPPL về giám định pháp y quy định chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn sử dụng kết luận giám định khi giám định lại hoặc khi các cơ quan giám định kết luận khác nhau.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp là quá trình lâu dài, phức tạp, liên quan đến chính sách, pháp luật, con người. Trong đó, địa phương rất cần trung ương sớm sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về công chứng; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp; mở rộng xã hội hóa giám định tư pháp; kiện toàn bộ máy pháp chế tại địa phương; đổi mới chính sách đãi ngộ cán bộ có chức danh tư pháp...
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp; tăng cường công tác xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát đảng viên, hoạt động của tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp, hành chính, dân cử gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị cần chú trọng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...
Theo Báo Khánh Hòa