Theo Kế hoạch số 171-KH/TU, ngày 24/11/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu việc xây dựng Đề án phải bám sát các quan điểm về phát triển bền vững tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1658/QĐTTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành “một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức không” theo Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị.
Theo đó, Đề án khi xây dựng sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, về Nông nghiệp xanh sẽ quan tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; chú trọng nuôi biển công nghệ cao, bền vững, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản xuất của các ngành nông, lâm, thủy sản (thông qua chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng và áp dụng các công nghệ, quy trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành nông, lâm, thủy sản; phát triển chuỗi giá trị nông sản xanh). Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng.
Thứ hai, về Công nghiệp xanh sẽ thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống (sử dụng thủy tinh thay cho nhựa); từng bước hạn chế các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu tái chế. Doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh xanh hơn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng các khu công nghiệp sinh thái
Thứ ba, về Du lịch xanh sẽ xây dựng các chương trình về phát triển sản phẩm du lịch xanh; áp dụng mô hình phát triển du lịch xanh tại các khu du lịch, điểm du lịch; xây dựng tiêu chí và triển khai dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch. Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh; phát triển sản phẩm du lịch xanh. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về chuyển đổi xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch.
Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở kỹ thuật phục vụ các loại hình du lịch theo hướng chuyển đổi xanh chú trọng tính kết nối của kết cấu hạ tầng. - Khuyến khích đầu tư du lịch chú trọng đầu tư hệ thống thu gom, phân loại và tái chế nhằm tái sử dụng nước thải, rác thải cho mục đích khác nhau. Triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030 gắn với kinh tế xanh, kinh tế biển xanh.
Thứ tư, về Đô thị xanh sẽ quan tâm đến quy hoạch các khu đô thị sinh thái và xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh; sử dụng năng lượng sạch; các công trình kiến trúc phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí xanh hóa công trình; nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái.
Thứ năm, về Giao thông xanh sẽ xây dựng phương án thay thế những phương tiện giao thông không đạt chuẩn, xả thải nhiều khí độc hại ra môi trường, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các loại xe điện, xe đạp. Thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng sạch, sử dụng các loại phương tiện không khí thải (xe buýt điện, xe taxi điện, ô tô điện,...). Xây dựng cơ chế và lộ trình chuyển đổi sử dụng xe công từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện; xây dựng quy hoạch trên địa bàn tỉnh hệ thống trạm và thiết bị sạc xe điện.
Thứ sáu, về Lối sống xanh thì chú trọng xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống văn minh và phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam để nâng cao chất lượng sống, hòa hợp với thiên nhiên. Thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái; đẩy mạnh mua sắm công xanh. Từng bước tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh; vận động cộng đồng dân cư thực hiện những hành động thiết thực, hiệu quả chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống (định kỳ tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, khơi thông cống rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng; thu dọn rác thải bờ biển; trồng cây xanh bảo vệ môi trường; phân loại rác thải ngay tại gia đình, tập kết rác thải đúng nơi quy định). Truyền thông về các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh trong ngành giáo dục, cộng đồng dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đề án về chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030 sẽ do đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp xây dựng và dự kiến hoàn thiện trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt cuối Quý I/2024.
N.X.T