Ngày 06/02/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Kết luận số 544-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về chương trình phát đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025 (Nghị quyết số 06-NQ/TU).
Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị sơ kết. Ảnh: Văn Kỳ (baokhanhhoa.vn)
Sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra như: tỷ lệ phủ sóng thông tin di động trên dân số toàn đô thị, tỷ lệ đường phố chính và đường ngõ xóm được chiếu sáng tại thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, Vạn Ninh. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết số 06-NQ/TU. Công tác triển khai lập, quản lý quy hoạch có chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư đồng bộ; công tác thu hút đầu tư dự án thương mại, nhà ở xã hội và giao thông trọng điểm được chú trọng; thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn và thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh đạt tiêu chí đô thị tại Nghị quyết số 06-NQ/TU.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình; vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu, điều phối Chương trình chưa được phát huy đầy đủ; việc cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU còn chậm; việc huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia vào Chương trình chưa cao. Tỷ lệ đô thị hóa, diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân, tỷ lệ nhà kiên cố, nhà bán kiên cố, tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý hợp vệ sinh, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, diện tích đất cây xanh công cộng trong đô thị còn thấp; nhiều khu đô thị, khu dân cư chưa ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, thông tin liên lạc,...).
Đồng chí Lê Hữu Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc.
Ảnh: Văn Kỳ (baokhanhhoa.vn)
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy
- Xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quyết tâm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TU, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, giai đoạn 2020 - 2025.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định công tác xây dựng, phát triển đô thị là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
- Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cùng lúc các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với chương trình phát triển đô thị. Rà soát, đối chiếu, ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các địa phương để bổ sung, góp phần hoàn thành các tiêu chí liên quan đến phát triển đô thị, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lặp, chồng chéo trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giữa các chương trình.
(2) Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan
- Phát huy đầy đủ vai trò tham mưu, điều phối và nêu cao tính chủ động của Sở Xây dựng trong việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Chương trình; định kỳ hoặc khi có yêu cầu đột xuất báo cáo, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện; kịp thời đề xuất UBND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
- Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị cấp huyện, quy hoạch phân khu tại các địa phương, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị, các đề án phân loại, nâng cấp đô thị dự kiến thành lập quận, thành phố, thị xã, phường trong tương lai theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, ưu tiên giai đoạn từ nay đến năm 2025 hoàn thành lập Quy hoạch đô thị Khánh Hòa và Chương trình phát triển đô thị Khánh Hòa - khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương,… bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, điều kiện để xây dựng Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
- Ưu tiên, bố trí nguồn lực nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung tại khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu vực trọng điểm,... trên địa bàn tỉnh; đồng thời, xây dựng giải pháp huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay xây dựng Chương trình (nguồn lực nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nguồn lực xã hội hóa khác), tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đô thị các huyện, thị xã, thành phố theo Nghị quyết số 06-NQ/TU và định hướng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
- Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị; thường xuyên rà soát, kiện toàn bộ máy, bố trí cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ yêu cầu trong tình hình mới. Kịp thời điều động, luân chuyển, thay thế, xử lý theo quy định đối với những cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra sai phạm, tiêu cực, chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình.
(3) Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn để tập hợp đoàn viên, hội viên, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lực cùng tham gia thực hiện Chương trình; phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát, phản biện trong triển khai thực hiện Chương trình, kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
(4) Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh tăng cường giám sát công tác đầu tư, phân bổ, hỗ trợ nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình, kịp thời báo cáo kết quả và những khó khăn, bất cập cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo. Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi và theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh Hải – Văn phòng Tỉnh ủy