Ngày 05/02/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Kết luận số 542-KL/TU về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 11/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết số 09-NQ/TU).
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Văn Kỳ (baokhanhhoa.vn)
Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, các mục tiêu, chỉtiêu bảo đảm thực hiện theo lộ trình, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đầu tư xây dựng đồng bộ; chất lượng dạy và học được nâng cao; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được cải thiện; an sinh xã hội được đảm bảo. Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng 1,57 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình 6,2%/năm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng an ninh được giữ vững; niềm tin của Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đối với Đảng, chính quyền được tăng cường, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình; một số cán bộ ở cơ sở chưa nắm vững chính sách, thiếu kỹ năng truyền tải các chủ trương của Đảng và Nhà nước tới Nhân dân; công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình còn hạn chế. Một số địa phương chú trọng công tác đầu tư xây dựng nhưng chưa thật sự quan tâm đến việc hướng dẫn, hỗ trợ bà con triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn còn thấp, nhất là nguồn vốn sự nghiệp chỉ giải ngân được 11,8% kế hoạch; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn khá cao; việc huy động doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân tham gia các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất rất hạn chế; thu nhập thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; các công trình đầu tư giao thông còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy
- Xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp về việc quyết tâm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 09-NQ/TU, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII của tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2020 - 2025.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị.
- Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chủ động và kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
(2) Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan:
- Phát huy đầy đủ vai trò tham mưu điều phối của Ban Dân tộc tỉnh trong việc thực hiện Chương trình; nêu cao tính chủ động trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát việc triển khai thực hiện, định kỳ hoặc khi có yêu cầu đột xuất báo cáo đánh giá kết quả, tiến độ việc thực hiện Chương trình; kịp thời đề xuất UBND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh; đồng thời, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, xây dựng giải pháp huy động mọi nguồn lực cùng chung tay xây dựng Chương trình (nguồn lực Trung ương, địa phương, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và và các nguồn lực xã hội hóa khác), tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình, nhất là việc nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân đang sinh sống và làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tránh tình trạng thụ động, ỷ lại vào việc hỗ trợ của Nhà nước. Nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp; cũng như phát huy vai trò quan trọng của già làng, trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số.
- Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, nhất là cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số, người biết sử dụng tiếng dân tộc, có nhiệt huyết, trách nhiệm, quan hệ mật thiết với người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng niềm tin, nói dân nghe, hiểu và làm theo.
(3)Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn để tập hợp đoàn viên, hội viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện Chương trình; phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát, phản biện trong triển khai thực hiện chương trình, kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
(4) Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh tăng cường giám sát công tác đầu tư, phân bổ, hỗ trợ nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình, kịp thời báo cáo kết quả và những khó khăn, bất cập cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo; bên cạnh đó, rà soát, xây dựng và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm tính khả thi và theo đúng quy định pháp luật.
Bình Nguyên - Văn phòng Tỉnh ủy