Mục tiêu là đưa Đà Nẵng phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội (KT-XH) lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên; xếp trong tốp 3 của cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á (giai đoạn 2021-2030), trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện...
Nằm ở địa bàn chiến lược về phát triển KT-XH và quốc phòng, an ninh (QPAN) của miền Trung và cả nước, Đà Nẵng là điểm giao của trục kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây; cửa ngõ thông thương với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương.
Trước khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 43, Bộ Chính trị khóa IX cũng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (năm 2003) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giúp Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ thời gian qua, trở thành trung tâm KT-XH lớn của miền Trung với diện mạo không gian đô thị mở rộng, khang trang, là thành phố năng động, sáng tạo. Tốc độ tăng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 9,8%/năm, GRDP bình quân đầu người tăng 6,6 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó ngành dịch vụ dẫn đầu về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... đều phát triển với tốc độ cao. Du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển.
Dẫu đạt được nhiều thành tựu, nhưng đến nay Đà Nẵng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; quy mô nền kinh tế còn nhỏ với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm khoảng 1,55% so với cả nước; tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm so với trước. Sản xuất công nghiệp chưa có nhiều dự án quy mô lớn. Lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao, hiện đại, khác biệt; chưa tạo được sự kết nối, lan tỏa cho các khu vực kinh tế khác cũng như các vùng lân cận của thành phố... Sự tăng trưởng chững lại của Đà Nẵng được các chuyên gia đánh giá là quá sớm so với chu kỳ phát triển của nhiều đô thị trẻ trong khu vực (sau khoảng 15 năm) dẫn đến nguy cơ tụt hậu so với một số địa phương trong vùng và tụt hậu xa hơn so với các thành phố khác ở châu Á.
Để Đà Nẵng phát triển thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á, trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, GRDP tăng bình quân hơn 12%/năm, công nghiệp 11,5-12,5%/năm như mục tiêu tổng quát đặt ra đến năm 2030, việc nhận diện những “điểm nghẽn” để khơi thông nội lực, tiềm năng cho Đà Nẵng phát triển là rất quan trọng. Cùng với các chính sách ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực mũi nhọn trọng điểm của thành phố, như: Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng..., Đà Nẵng cần triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo các nguyên tắc phân quyền, phân cấp, nhất là phân quyền theo hướng những việc thành phố đảm nhiệm được thì giao cho thành phố. Khi đó, Đà Nẵng sẽ được quyền ban hành những quy định đặc thù của địa phương trong phạm vi thẩm quyền được phép, bao gồm quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp thuộc chính quyền đô thị; sắp xếp, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng bậc, thi tuyển, quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; khen thưởng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, thu hút tài năng đặc biệt vào công tác tại các cơ quan thành phố.
Việc phân cấp cũng cần mở rộng trên một số lĩnh vực như tài chính-ngân sách, khai thác và quản lý nguồn lực đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, theo quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khi đó, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt, thành phố có thể được chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch tùy theo tình hình thực tế; quyết định chủ trương đầu tư và thẩm định dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương; được quyết định chủ trương, đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) ngoài các lĩnh vực đầu tư đã được Trung ương quy định tại các văn bản về hình thức PPP; được phê duyệt danh mục dự án và quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ ODA không hoàn lại thông thường hay viện trợ không hoàn lại để thực hiện các dự án PPP. Việc phân cấp cũng sẽ giúp Đà Nẵng điều chỉnh nội dung đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thẩm tra các công trình cấp I, dự án nhóm B để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án; quy định đối tượng, điều kiện và quyết định chuyển quyền sử dụng đất tại những khu vực đã được đầu tư hạ tầng, phân lô. Việc ưu tiên cũng giúp TP Đà Nẵng được vay lại nguồn vay nước ngoài với lãi suất ưu đãi hoặc bằng lãi suất của nhà tài trợ để thực hiện các công trình, dự án động lực, trọng điểm đã được HĐND thành phố thông qua sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc ủy quyền cũng giúp thành phố được ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài về đầu tư phát triển Đà Nẵng; được trực tiếp đàm phán giao đất cho các nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn không thông qua đấu giá để thực hiện các dự án đầu tư phát triển vào các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao phù hợp với cơ chế của khu kinh tế ven biển; khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển...
Bên cạnh thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, việc thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, bảo đảm tính kết nối và tạo sự thống nhất trong liên kết, liên kết vùng; hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ; xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường của người Đà Nẵng; sự đồng thuận của xã hội trong giải quyết một số mặt nổi cộm... góp phần đưa TP Đà Nẵng phát triển nhanh, mạnh hơn, trở thành một trong những đầu tàu tăng trưởng, trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đạt được các mục tiêu như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Theo Qdnd.vn