Thứ nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp, tạo hiệu quả thực chất, đồng bộ hơn.
Nổi bật là việc tập trung xây dựng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy trở thành tập thể đoàn kết, kỷ cương, dân chủ, chủ động, trách nhiệm, đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; gắn với đề cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, khát vọng cống hiến của từng cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Đến nay cả 03 chỉ tiêu Đại hội về xây dựng Đảng đều đạt kế hoạch. Đáng chú ý là công tác phát triển đảng viên đã vượt kế hoạch đề ra trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, bài bản của Thường trực Tỉnh ủy và sự nỗ lực vượt bậc của các tổ chức đảng và cấp ủy các cấp (chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới là 4.299/8.500 đảng viên, đạt tỷ lệ 50,5% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ). Niềm tin, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng cao, qua điều tra dư luận xã hội, có 84,4% đánh giá cán bộ, công chức có thái độ, trách nhiệm, tinh thần làm việc tốt hơn trước.
Thứ hai là tình hình kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cách làm sáng tạo, chủ động, thích ứng linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Năm 2022, GRDP của tỉnh tăng trưởng 20,7% (cao nhất cả nước) so với năm 2020 tăng trưởng âm 10,5% (thấp nhất cả nước); góp phần đưa tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,62% (so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh là 7,5%). Quy mô nền kinh tế tăng 1,2 lần so với năm 2020, vượt 12% so với năm 2019; 9 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 8,87% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi ấn tượng với một loạt các sự kiện văn hóa, giải trí lớn được tổ chức; doanh thu du lịch trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 27.900 tỷ đồng.
Thứ ba là sự kết nối hiệu quả giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư
Điểm sáng có ý nghĩa về mặt chiến lược, chính sách trong nửa đầu của nhiệm kỳ này đó là việc phối hợp cùng các Bộ, ngành Trung ương tham mưu trình Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, khẳng định rõ phát triển kinh tế biển là nền tảng trong thời gian tới. Chỉ khoảng 2 tháng sau, ngày 21/3/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Và sau hơn 4 tháng, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 55/2022/QH15 vào ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành gần như đầy đủ các văn bản để triển khai.
Trên cơ sở đó, tỉnh xác định việc đổi mới, lập và triển khai quy hoạch là một trong những đột phá để phát triển. Khánh Hòa đã triển khai nghiêm túc nội dung này từ cách thức lãnh đạo, chỉ đạo cho đến việc tổ chức công việc, thuê tư vấn, tổ chức phản biện. Hiện nay, đã có 2/4 quy hoạch thuộc thẩm quyền đã được Thủ tướng phê duyệt là Quy hoạch tỉnh và điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong. Trên cơ sở các quy hoạch này, tháng 4/2023, tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index đều tăng vượt bậc so với năm 2021 (PAR Index xếp vị trí 25/63 tăng 23 bậc so với năm 2021, PAPI xếp vị trí 16/63 tăng 24 bậc so với năm 2021, PCI xếp vị trí 16/63 tỉnh, tăng 28 bậc so với năm 2021, lọt vào “top” 30 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2022). Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là những dự án lớn ở 03 vùng kinh tế động lực của tỉnh, tạo đà cho Khánh Hòa phát triển trong thời gian tới.
Thứ tư là kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ
Tỉnh đã khánh thành tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, hiện đang thi công tuyến Vân Phong - Nha Trang và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường kết nối giữa Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, góp phần tạo hành lang liên thông với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đang khảo sát để làm báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai tuyến đường cao tốc Liên Khương - Nha Trang theo hình thức đối tác công tư… Qua đó, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, sẽ cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc bắc - nam và đông - tây qua địa bàn tỉnh, mở ra nhiều dư địa và không gian phát triển mới liên kết kinh tế - xã hội giữa Khánh Hòa với các địa phương trong khu vực và cả nước.
Thứ năm là công tác giảm nghèo đạt nhiều chuyển biến tích cực
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2023 ước đạt 2,64% (trong đó: tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Khánh Sơn là 33,72% và huyện Khánh Vĩnh là 31,92%); số hộ nghèo giảm so với đầu nhiệm kỳ là 30,4% (Nghị quyết Đại hội đến năm 2025 giảm 50%) đạt 60,8% so với mục tiêu.
Những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo đúng định hướng của Bộ Chính trị.
Văn Đức, VPTU