Nghị quyết xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị, đô thị hóa và kinh tế đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới tư duy và cách tiếp cận
Nghị quyết 06 đã chỉ rõ sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.
Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra, còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, Nghị quyết 06 đã quán triệt nhận thức đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Do đó, cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm.
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả.
Nghị quyết 06 đã xác định rõ các chỉ tiêu bình quân trên phạm vi cả nước như: tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt hơn 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng từ 1,5% đến 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng từ 1,9% đến 2,3%... Những chỉ tiêu quan trọng này sẽ định hình tốc độ phát triển đô thị của hệ thống đô thị trên cả nước hướng tới mục tiêu kiểm soát chất lượng đô thị hóa, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm sự tương xứng phù hợp giữa tốc độ đô thị hóa về dân cư và sử dụng đất dành cho xây dựng đô thị. Đây là cơ sở để các địa phương đánh giá đúng thực tế tình hình phát triển của hệ thống đô thị toàn tỉnh, đặt ra các chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa phù hợp khả năng phát triển thực tế cho giai đoạn tới...
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Xây dựng được ít nhất năm đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.
Phát triển đô thị hài hòa, đồng bộ
Nghị quyết 06 chỉ rõ cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững. Đây là một yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với chất lượng quy hoạch nhằm tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới, bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
Với định hướng này, Bộ Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao cần hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, xác định tiến độ lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị và phủ kín quy hoạch phân khu...; thống kê tình trạng điều chỉnh quy hoạch, đánh giá các hệ lụy để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời; tính toán nguồn lực để tổ chức thực hiện các phương án phát triển đề ra theo quy hoạch; phổ biến, công khai thông tin quy hoạch và triển khai cắm mốc ngoài thực địa để quản lý...
Để thực hiện quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng bền vững, các địa phương cần quan tâm chú trọng các giải pháp xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 vừa qua; xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... Cùng với đó, tiếp tục tập trung cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, kết hợp đồng bộ và hài hòa với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy, chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị.
Bộ Xây dựng cần hướng dẫn các địa phương có kế hoạch tiến hành đánh giá, rà soát, xác định cụ thể các khu vực ưu tiên cần cải tạo, chỉnh trang, đề xuất kế hoạch cải tạo chỉnh trang đô thị phù hợp từng đô thị, từng khu vực cụ thể trong đô thị. Chú ý xây dựng các giải pháp khai thác nguồn lực trong cải tạo chỉnh trang như khai thác quỹ đất khi mở đường, xã hội hóa nguồn lực... Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cần đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, coi trọng hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của kinh tế khu vực đô thị, phấn đấu đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85% vào năm 2030...
Bối cảnh phát triển đô thị hiện nay đặt ra yêu cầu lớn đối với công tác quản trị đô thị, xây dựng chính quyền đô thị để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạch định chính sách và quản lý các hoạt động của đô thị. Nghị quyết 06 yêu cầu tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị. Nghiên cứu, sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính đô thị, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển.
Tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về đô thị từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về phát triển đô thị ở Trung ương và địa phương. Thực hiện phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong quản lý đô thị. Nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị các cấp.
Để cụ thể hóa những chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết 06, trên cơ sở thực tiễn, các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách cần được ban hành để tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị. Trước mắt, Chính phủ cần sớm xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 làm cơ sở để cả nước sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tổ chức triển khai một cách hiệu quả nhất.
Theo https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/tam-nhin-chien-luoc-mang-tinh-thoi-dai-ve-phat-trien-do-thi-ben-vung-699856/