Để góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chuẩn bị phương án giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch phân bổ nguồn vốn cùng nhiều giải pháp để tập trung thực hiện tốt việc giải ngân vốn.
Nguồn vốn lớn
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh dự kiến hơn 6.814 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 3.617 tỷ đồng, vốn từ nguồn bội chi hơn 1.219 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ gần 1.725 tỷ đồng, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gần 253 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh sẽ quản lý hơn 5.882 tỷ đồng, cấp huyện quản lý 932 tỷ đồng.
|
Đối với nguồn vốn cấp tỉnh quản lý, dự kiến sẽ bố trí vốn cho 73 dự án với tổng kế hoạch vốn gần 3.787 tỷ đồng (bình quân gần 51,9 tỷ đồng/dự án); bố trí vốn cho những dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia gần 428 tỷ đồng; các lĩnh vực khác hơn 281 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại chưa phân bổ hơn 1.366 tỷ đồng, dự kiến sẽ bố trí cho các dự án đầu tư công trọng điểm và Đề án tổng thể giảm nghèo của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 - 2025 sau khi đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn đầu tư công được phân bổ theo tỷ trọng: 29,3% dành cho các ngành, lĩnh vực thuộc khối xã hội, quốc phòng, an ninh; các ngành, lĩnh vực thuộc khối hạ tầng kinh tế chiếm 70,7%. Cụ thể, giao thông chiếm 22,8%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản chiếm 8,9%; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế chiếm 2,4%; giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,1%; khoa học và công nghệ chiếm 1%...; các lĩnh vực khác chiếm 28%.
Triển khai nhiều giải pháp thực hiện
Để giải ngân 100% số vốn nói trên trong năm 2023 cần sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị. Mới đây, HĐND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, không bố trí danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2023 nếu chưa được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND cấp huyện (bao gồm cấp xã) thực hiện đúng theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đầu tư và dự kiến phân bổ nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực, chương trình tương ứng với số vốn được phân cấp, phân bổ và số vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan sớm xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để bổ sung nguồn vốn cho các dự án đầu tư công năm 2023.
|
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư quán triệt và thực hiện tốt công tác tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ. UBND tỉnh có chủ trương không yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch; không bố trí danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2023 nếu chưa được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư theo quy định. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo UBND cấp huyện (bao gồm cấp xã) thực hiện đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đầu tư và dự kiến phân bổ nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực, chương trình tương ứng. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong trong xây dựng và thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, xác định nguồn vốn và thực hiện công tác xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-09-vao-cuoc-song/202301/trien-khai-ke-hoach-dau-tu-cong-nam-2023-nhieu-giai-phap-de-thuc-hien-tot-viec-giai-ngan-8275133/