Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, giữ gìn bí mật của tổ chức, của cách mạng. Người khẳng định cách mạng muốn thành công thì nhất thiết phải giữ gìn được bí mật, vì vậy, nhiều lần Người căn dặn cán bộ, chiến sỹ phải nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật của cơ quan, tổ chức và của Đảng, Nhà nước để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Trong bài “Giữ bí mật”[1] đăng trên báo Sự thật, số 97, ngày 30-7-1948 với bút danh A.G., Bác nhấn mạnh: trong chiến tranh, giữ bí mật là điều quan trọng nhất bởi ta dò được tin tức của địch thì ta thắng và ngược lại, địch dò được tin tức ta thì địch thắng ta. Người viết: Ta biết giữ bí mật, thì bọn Việt gian mật thám khó mà hoạt động, ta biết giữ bí mật, thì dù địch có trăm tai, ngàn mắt, cũng không dò được tin tức của ta. Vì vậy, biết giữ bí mật, tức là đã nắm chắc một phần thắng lợi trong tay ta.
Người đã phân tích và chỉ ra nguyên nhân của tình trạng lộ lọt bí mật là do trong lúc nước nhà đang kháng chiến, nhiều nhân viên, công nhân, bộ đội và nhân dân ta chưa biết giữ bí mật về hành động, cử chỉ, cũng như về lời nói. Về phía các cơ quan, đoàn thể và các cơ quan chức năng lại chưa biết dùng cách giáo dục, khuyên răn mọi người giữ bí mật. Đây là một khuyết điểm rất nguy hiểm. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức cần phải cấp tốc ra sức sửa chữa khuyết điểm này bằng cách: các đơn vị bộ đội, cơ quan, trường học, chợ búa, hàng quán… cần phải dán những khẩu hiệu giữ bí mật. Những người phụ trách cần phải hàng ngày dặn dò nhân viên của mình giữ bí mật. Các bộ máy tuyên truyền, các báo chí, phải thường nhắc đến vấn đề giữ bí mật. Cuộc thi đua ái quốc cũng phải chú trọng đến vấn đề giữ bí mật… Như vậy, để kháng chiến và giữ gìn những thành quả của cách mạng thì mọi tổ chức, cá nhân đều phải nêu cao tinh thần và thực hiện nghiêm túc việc giữ bí mật. Đây là công việc thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi và là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ của riêng ai.
Tiếp tục vấn đề này, trong bài “Phải giữ bí mật”[2] đăng trên báo Sự thật, số 134, ngày 1-6-1950 (ký tên X.Y.Z.), Hồ Chủ tịch một lần nữa đặt ra vấn đề giữ bí mật, từ chỗ “giữ bí mật” nay Người yêu cầu “phải giữ bí mật” bởi đây là vấn đề cơ mật, trọng yếu của cách mạng, nhưng tình trạng lộ lọt thông tin vẫn tiếp diễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê bình : Vấn đề này, nhắc đi nhắc lại đã nhiều lần. Nhưng tiếc thay, chứng bệnh không biết giữ bí mật vẫn rất phổ thông, rất trầm trọng. Nhiều cán bộ, nhân viên, binh sĩ, nhân dân còn mắc bệnh ấy. Chúng ta phải luôn nhớ rằng: trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại. Nếu địch biết tin tức của ta, nó sẽ tìm cách đánh vào chỗ yếu của ta, thì địch sẽ thắng. Nếu ta thấy rõ tin tức của địch, ta sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của nó, thì ta sẽ thắng. Người nhấn mạnh : Dù có khí giới nhiều, bộ đội đông, lực lượng mạnh, kế hoạch hay, nhưng nếu để tin tức lộ ra, địch sẽ biết mà phòng bị trước, thì cũng không thắng được. Vì vậy, người ta gọi là Mặt trận tin tức. Nếu mặt trận ấy giữ không vững, nghĩa là không biết giữ bí mật, thì các mặt trận khác cũng bị lung lay.
Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi người phải coi việc giữ bí mật là một nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, đối với Chính phủ: “Ở các phòng giấy, các đình làng, các hàng quán, các trường học, các nhà máy và những nơi có nhiều người qua lại, phải có những khẩu hiệu nhắc mọi người giữ bí mật”. Bác yêu cầu hễ thấy ai hay bô lô ba la, không biết giữ bí mật thì phê bình, cảnh cáo, thậm chí phải xử phạt. Làm như vậy mặt trận tin tức của ta sẽ thắng lợi.
Việc giữ bí mật ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành bại của cuộc cách mạng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Do đó, Hồ Chủ tịch mặc dù bận trăm công nghìn việc để chỉ đạo cuộc kháng chiến, từ công tác đối nội đến đối ngoại, nhưng Bác vẫn thường xuyên quan tâm và dành nhiều bài viết để căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sỹ phải hết sức giữ gìn mặt trận thông tin này và coi đây là một mặt trận quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, trong bài viết “Giữ bí mật”[3], ký tên C.B. đăng trên Báo Nhân dân, số 40, ngày 10-01-1952 Hồ Chủ tịch lại tiếp tục đề cập tới việc phải hết sức giữ bí mật, nhất là trước hoạt động tình báo, thăm dò tin tức của địch.
Người đặt ra câu hỏi : vì sao tình báo của địch hoạt động được ? và khẳng định: Đó là do sơ hở của ta trong việc giữ bí mật thông tin. Người viết : Tình báo địch hoạt động như thế nào ? Nó nghe ngóng tin tức, tìm tòi tài liệu quân sự, chính trị, kinh tế của ta… và vì sao tình báo hoạt động được, vì do ta sơ suất, kém cẩn thận, không biết giữ bí mật. Cụ thể là những khuyết điểm như nói năng không cẩn thận, bô lô ba la, bạ gì nói đấy, viết lách không cẩn thận. Tài liệu giấy tờ để lung tung, ai cũng có thể xem, có thể thấy. Khi viết thư cho bầu bạn, cho người nhà, thì viết cả công việc… của cơ quan, của bộ đội. Các báo chí thì kém cẩn thận trong việc đăng tin tức và trong lời bình luận.
Người so sánh : Tình báo địch cũng như một thức nước bẩn. Có chỗ trũng, chỗ hở thì nó chảy vào. Ta sơ hở, không biết giữ bí mật, tức là vô tình ta đã giúp địch và phạm tội hại nước hại dân.
Vấn đề này cần phải chấm dứt và để khắc phục tình trạng đó, Người nêu lên cách giữ bí mật, chống lại tình báo địch bằng cách phải dựa vào sức quần chúng. Nhưng trước khi dựa vào quần chúng thì mọi cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật rồi tiến tới tuyên truyền giáo dục cho nhân dân giữ bí mật. Kẻ địch dù tinh ranh quỷ quyệt mấy, tình báo của chúng cũng không thể che giấu được hàng ức hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân nên nhân dân hiểu biết thì chẳng những giữ được bí mật của ta mà còn dò biết được bí mật của địch.
Vì vậy Hồ Chủ tịch yêu cầu : Chúng ta phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng địch trên mặt trận tình báo bằng cách tuyệt đối giữ bí mật.
Tiếp theo các bài viết trên, ngày 01-02-1956, giữa lúc cuộc cách mạng của nhân dân ta đang bị đế quốc, thực dân và bè lũ tay sai phá hoại, chúng không thực hiện nghiêm túc Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết “Phải giữ bí mật của Nhà nước”[4], đăng trên Báo Nhân dân, số 700 với bút danh C.B để một lần nữa nhấn mạnh công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Bối cảnh miền Bắc lúc này, đó là chúng ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội; còn ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị đế quốc Mỹ và tay sai xâm lược, chúng đang điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam, không chịu tiến hành tổng tuyển cử để hai miền Nam Bắc thống nhất. Do đó, ở thời điểm lịch sử này, Người đặt vấn đề theo cách ví von đó là : “Người thường ai cũng có cái ví đựng tiền. Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khoá, để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra. Giữ nhà phải cẩn thận như vậy”.
Từ việc nhà, Người nói đến việc nước : “Giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc”. Vì vậy, giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể. Công tác bảo mật, phòng gian nói chung và giữ gìn bí mật các văn kiện, tài liệu của Nhà nước nói riêng đang đặt ra cho toàn dân, cho các cơ quan, các đoàn thể nhiệm vụ rất nặng nề vì kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh cắp văn kiện bí mật của ta về chính trị, kinh tế, quốc phòng, v.v… để phá hoại ta về mọi mặt.
Hồ Chủ tịch cho rằng cán bộ ta được những năm kháng chiến huấn luyện, đã biết giữ bí mật. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cán bộ vẫn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và xem nhẹ việc giữ gìn bí mật của Nhà nước. Điều đó thể hiện trong một số việc như: Không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra văn kiện bí mật. Mang văn kiện bí mật về nhà xem. Xem văn kiện bí mật ở chỗ đông người. Ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình. Hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn... Ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc... cũng đưa việc trong cơ quan ra nói. Khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật...
Những khuyết điểm, sai lầm trên dù chủ quan hay khách quan cũng đều làm hại cho cách mạng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của đất nước. Do đó, Hồ Chủ tịch phê phán như thế là các cán bộ đó đã vô tình mà giúp cho kẻ địch.
Bác cũng chỉ ra một số đối tượng do bản lĩnh không vững vàng nên cũng đã tiết lộ bí mật cho địch. Người viết: “Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ăn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch”. Từ đó, Bác đã nghiêm khắc chỉ ra nguyên nhân và phân tích lý do : Cơ quan đặc vụ Mỹ - Diệm đã chỉ thị cho lũ tay sai của chúng tìm làm quen với những cán bộ ham ăn chơi, ham tiêu xài, ham gái đẹp; cho họ vay tiền, uống rượu, chơi gái; làm cho họ say mê, mắc nợ, rồi đưa họ vào tròng. Trước tình hình nghiêm trọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định : “Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch” và nhấn mạnh đó là một vấn đề chính trị quan trọng. Vì vậy, Người yêu cầu: các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra công tác này.
Người cho rằng : “Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này” vì “Chống bọn phá hoại cũng như chống mật thám Mỹ, cách tốt nhất là tổ chức và giáo dục nhân dân đến nơi đến chốn. Lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần cảnh giác của nhân dân là cái lưới (thiên la địa võng), bất kỳ bọn phá hoại nào, bọn mật thám nào cũng không lọt được cái lưới ấy của nhân dân”.
Trong một bài viết khác với bút danh T.L dưới nhan đề “Cảnh giác”[5] đăng trên Báo Nhân dân, số 2107, ngày 23-12-1959 thêm một lần nữa Bác nhấn mạnh giữ nước càng phải cảnh giác để ngăn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ kháng chiến, nhân dân ta cũng như cán bộ và bộ đội ta đều biết nâng cao cảnh giác, nhưng từ hoà bình trở lại, thì tinh thần cảnh giác có phần kém sút. Đó là một khuyết điểm lớn cần được sửa chữa ngay.
Những ngày mùa Xuân Tân Sửu 2021 này, đọc lại một số bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta thấy vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong việc thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 và trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, phòng chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và hàng loạt âm mưu, thủ đoạn tinh vi của kẻ địch. Do đó, những bài viết trên là lời huấn thị, nhắc nhở nghiêm khắc mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên phải nhận thức hết sức sâu sắc, đầy đủ và nghiêm túc việc giữ bí mật của Đảng, Nhà nước, của ngành và từng cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước.
TS Nguyễn Quốc Dũng
Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 581-582.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, trang 389-391.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, trang 278-281.
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, trang 262-263.
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 9, trang 602-603.