Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, mở mang dân trí. Bởi theo Người, vai trò của giáo dục, đào tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự hưng thịnh của đất nước. Việc nâng cao, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài là động lực của sự phát triển, đưa nước ta tiến tới giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”(1). Thấm nhuần tư tưởng của Bác về vai trò của sự nghiệp giáo dục, từ Đại hội VI (năm 1986) đến các kỳ đại hội sau này, cũng như trong các văn kiện quan trọng, Đảng ta luôn nhấn mạnh, giáo dục, đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực của sự phát triển đất nước”. Trong đó, đáng chú ý là tại Hội nghị Trung ương VIII khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học: yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất, chất lượng; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”(2).
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo vừa phải có kiến thức chuyên môn sâu, rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa phải có phẩm chất đạo đức trong sáng.
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nêu rõ: “Phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(3) sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác giảng dạy của đội ngũ các nhà giáo. Việc đẩy mạnh học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới nền giáo dục hiện nay được thể hiện ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”(4). Vì vậy, đội ngũ giáo viên cần không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nhà giáo thể hiện ở những phẩm chất rất cơ bản, đó là: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo. Người thường nhắc nhở, căn dặn đội ngũ giáo viên: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ...”(5). Chính vì thế, “giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”(6).
Với chủ trương đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, Đảng ta xác định: “Muốn cho giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu thì giáo viên (nhà giáo) phải là lực lượng nòng cốt thực hiện chất lượng và hiệu quả giáo dục... Bởi vậy cần đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo... về mọi mặt, đặc biệt phải chú trọng đúng mức việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống của đội ngũ cán bộ này”(7).
Thứ hai, cùng với nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, đội ngũ nhà giáo cần không ngừng học tập để trau dồi kiến thức chuyên môn sâu, rộng và hết lòng vì công việc. Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật có những tiến bộ vượt bậc, rõ ràng, “cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình”(8). Trong đó, “đối với đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”(9).
Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng ta xác định: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”(10). Nhà nước đã có nhiều giải pháp để đội ngũ nhà giáo có điều kiện nâng cao kiến thức chuyên môn sâu, rộng và rèn luyện kỹ năng giảng dạy. Đối với giảng viên các trường đại học, cao đẳng, bên cạnh việc là một nhà giáo, còn phải là nhà nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn giảng dạy và công bố các kết quả nghiên cứu.
Đội ngũ nhà giáo cần hết lòng vì công việc, luôn thể hiện sự chuẩn mực, tính mô phạm trong tác phong, lối sống, trong giải quyết các mối quan hệ với mọi người, với công việc, với bản thân mình, nhất là với người học. Trong các mối quan hệ ấy cần đặc biệt chú trọng giải quyết mối quan hệ với người học dựa trên nguyên tắc sư phạm và thực hiện “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Kiên quyết không để mặt trái của cơ chế thị trường với những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo vốn rất thiêng liêng.
Thứ ba, luôn yêu ngành, yêu nghề. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu người, yêu nghề, yêu trường, yêu chủ nghĩa xã hội, hết lòng thương yêu chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người từng nói, “thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình”(11). Bởi “còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh... Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”(12).
Bên cạnh đó, yêu nghề, yêu người còn là cơ sở để các nhà giáo yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, không thiên tư, thiên vị. Vì khi niềm tin và tình yêu thật sự yêu ngành, yêu nghề thì đứng trên bục giảng họ mới có thể truyền hết được kiến thức cho học sinh.
2. Để đẩy mạnh học tập rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay có hiệu quả cao, cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
Một là, mỗi nhà giáo cần phải chủ động, tự giác, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, xác định rõ và thực hiện tốt trách nhiệm cá nhân trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm. Coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, nghiêm túc thực hiện tốt công việc, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trong việc giáo dục học sinh, cần thực hiện tốt cuộc vận động “mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” theo Nghị quyết số 442/NQ-CĐN, ngày 01-11-2007 của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động; Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16-4-2008 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quy định về đạo đức nhà giáo. Theo đó, luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, làm tròn nhiệm vụ, vai trò của một nhà giáo. Khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau để hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Vấn đề này phải được xác định là biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong quá trình công tác của bản thân mỗi nhà giáo.
Hai là, thường xuyên đề cao ý thức trách nhiệm với công việc chuyên môn, với sự nghiệp “trồng người”. Giữ gìn tình đoàn kết thống nhất trong tập thể, trong môi trường sư phạm, biết lắng nghe, sẵn sàng học hỏi và cầu tiến bộ. Nêu cao tính nguyên tắc, tính kỷ luật và tính kế hoạch trong hoạt động sư phạm; chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Coi trọng, giữ vững và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Theo đó, mỗi thầy, cô giáo phải luôn giữ ngọn lửa thắp sáng, ước mơ, khát vọng được đứng trên bục giảng, được cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho công tác giảng dạy, cho các nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước ta phát triển mạnh mẽ hơn.
Ba là, mỗi nhà giáo cần phải cần cù, chịu khó, tận dụng tối đa thời gian để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: việc gì có lợi cho nước, cho xã hội thì kiên quyết làm và làm trước. Việc gì có hại cho nước, cho dân, cho người học thì kiên quyết bỏ, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Thường xuyên quán triệt và cụ thể hóa các nội dung về đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bốn là, các cơ sở giáo dục cần xây dựng một số tiêu chí về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ nhà giáo. Có các hình thức động viên, khuyến khích trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp cần có những biện pháp để giáo dục các hành vi chưa chuẩn mực của nhà giáo; nêu gương, khen thưởng kịp thời những cán bộ, giảng viên làm tốt công việc theo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện để giảng viên có thời gian nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Năm là, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong môi trường sư phạm, giao tiếp, ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp. Coi trọng bồi dưỡng ý chí, khát vọng và chí hướng vươn lên hoàn thiện văn hoá sư phạm, luôn tự học để có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, nghiệp vụ, thuần thục kỹ năng, điêu luyện tay nghề, trau dồi phẩm chất đạo đức nhà giáo để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Nâng cao khả năng tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá, giáo dục của nhân loại và hội nhập nhanh với nền giáo dục hiện đại của thế giới, có tinh thần đổi mới và kiên định trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy - học; khiêm tốn, giản dị, mẫu mực trong hành vi ứng xử với tư cách là nhà sư phạm.
Có thể thấy, việc rèn luyện, nâng cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đội ngũ nhà giáo hiện nay là điều hết sức cần thiết. Việc rèn luyện đó không chỉ giúp hiểu sâu tư tưởng đạo đức của Người, mà còn giúp cho việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục của Đảng, Nhà nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
--------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 98 - 99
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 114 - 115
(2) (3) Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập về làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2016
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 184
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 616
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 492
(7) Hỏi và đáp về các kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 3
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 489
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, Sđd, tr. 81
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 117
(11), (12) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 331, 329 - 330
Lê Thanh Bình(*), Phạm Thị Kim Cương(**)(*) Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc, (**) ThS, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc
Nguồn tapchicongsan.org.vn