Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên trái) với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I, ngày 3-12-1945.
Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc và xây dưng khối đại đoàn kết toàn dân có giá trị lí luận và thực tiễn hết sức quan trọng. Bác khẳng định trong Di chúc: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của Đảng và nhân dân ta. Bác căn dặn: Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Theo Bác, đoàn kết không có nghĩa là xuôi chiều, dễ người dễ ta. Để trong Đảng đoàn kết, trở thành một khối thống nhất phải thật sự nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình, và phải chỉnh đốn lại Đảng. Bác coi đó là nhiệm vụ tất yếu thường xuyên, là sự vận động của Đảng trong quá trình phát triển của cách mạng. Khi cách mạng khó khăn, chỉnh đốn Đảng để xây dựng ý chí kiên định, thái độ bình tĩnh, tránh tình trạng dao động, bi quan. Khi cách mạng thắng lợi, chỉnh đốn Đảng để ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, chủ quan, tự mãn. Khi Đảng cầm quyền, chỉnh đốn Đảng để tránh sa ngã, thoái hoá biến chất, tự đánh mất mình. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Coi trọng chỉnh đốn Đảng là tạo nên sức mạnh đoàn kết theo lời dặn của Bác: Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để cũng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta xác định: Đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, mà hạt nhân là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Những năm qua, nhờ đoàn kết, công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội. Đất nước giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, các hoạt động nhân đạo, từ thiện thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Mong muốn cuối cùng của Bác trước lúc đi xa là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Chúng ta đang thực hiện mong muốn của Người trên cơ sở tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công.
Theo Báo Khánh Hòa