Giữa mênh mông rừng cọ, đồi chè, An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên được ví như trái tim của “Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”. Đã 71 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ cùng các cơ quan Trung ương về ATK lãnh đạo kháng chiến, dường như hình bóng Người vẫn vẹn nguyên nơi đây.
Xúc động trên đỉnh đèo De
Trong không khí chuẩn bị sinh nhật lần thứ 128 của Bác, đoàn công tác Báo Khánh Hòa đã có chuyến về nguồn ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Giữa những mái nhà sàn thấp thoáng khói tỏa lam chiều, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De tạo cảm giác linh thiêng. Được xây dựng trên đồi cao, lưng tựa vào núi Hồng (xã Phú Đình), trước mặt nhìn xuống cánh đồng Tỉn Keo, Nhà tưởng niệm Người là “trái tim” của ATK Định Hóa. Trong bài Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu cũng đã nhắc đến địa danh này: “... Tin vui thắng trận trăm miền/Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về/Vui từ Đồng Tháp, An Khê/Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng”.
Biết chúng tôi ở miền Trung ra dâng hương, các nhân viên Nhà trưng bày Bảo tàng ATK đã tiếp đón với những tình cảm đặc biệt nhất. Mỗi hiện vật, mỗi không gian đều được các nhân viên ở đây giới thiệu một cách kỹ lưỡng, đầy cảm xúc. Theo hướng dẫn viên Nguyễn Thị Huyền, Nhà tưởng niệm được xây dựng tại vị trí “tả thanh long, hữu bạch hổ”, trung tâm của Chiến khu Việt Bắc năm xưa nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Toàn bộ các hạng mục công trình có tổng diện tích gần 16.000m2, gồm tứ trụ, tam quan, nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Từ cổng tứ trụ bước lên 115 bậc (ghi nhớ công trình xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác) là tới tam quan. Qua chiếu nghỉ, du khách sẽ leo tiếp 79 bậc (ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác) mới đến Nhà tưởng niệm với diện tích sàn 625m2 gồm hai tầng, kiến trúc theo lối đền chùa truyền thống, mái lợp ngói đỏ, có hệ thống khuôn viên đường bao quanh như một đóa sen nở và những cánh sen là 79 cây vạn tuế. Bức tượng bán thân chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 99cm do các nghệ nhân làng Ngũ Xã (Hà Nội) chế tác được đặt ở vị trí trang trọng giữa điện thờ của Nhà tưởng niệm trên tầng hai.
Trong ngân vang tiếng chuông, tiếng khánh, giữa nghi ngút khói hương, đoàn công tác Báo Khánh Hòa đã dâng hương với lòng thành kính đối với Người. Trong sâu thẳm lòng mình, tất cả chúng tôi đều trào dâng những xúc cảm khó tả khi đứng trước bàn thờ của Bác. Ông Trần Duy Hưng - Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa đã viết vào Sổ cảm tưởng của Nhà tưởng niệm: “Là thế hệ sau, chúng con càng thấm thía sự hy sinh to lớn, công lao trời biển của Bác Hồ đối với dân tộc. Chúng con nguyện mãi mãi học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Người, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Người”.
|
Hình bóng Người giữa lán Tỉn Keo
Chia tay đèo De, chúng tôi tiếp tục hành trình với Di tích đồi Tỉn Keo, nơi Bác Hồ đã từng sống và có những quyết sách quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Đối với du khách gần xa, khi hành hương về ATK Định Hóa thì đồi Tỉn Keo là địa điểm không thể bỏ qua. Địa danh này thuộc xóm Nà Lọm, xã Phú Đình. Trong cuốn sách “ATK in dấu lịch sử”, ông Đồng Khắc Thọ - nguyên Trưởng ban Quản lý các di tích lịch sử ATK Định Hóa có viết: Tỉn Keo là Phủ Chủ tịch trong lòng dân. Nơi đây đáp ứng những tiêu chí của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho các đồng chí giúp việc tìm địa điểm đặt cơ quan “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta vui/Tiện đường sang Tổng bộ, thuận lối xuống Trung ương. Nhà thoáng ráo kín mái, gần dân không gần đường”. Đó là lý do để Trung ương xây dựng lán ở và làm việc của Bác tại nơi đây. Cùng với lán của Bác, anh em bảo vệ giúp việc có lán họp, chòi gác gần sát con suối Khuôn Tát và đường hầm hào thoát xuống chân đồi. Bếp ăn được đào đặt sâu xuống đất để đun nấu không có khói. Buổi sáng, Bác thường ra khoảng đất nhỏ dưới chân đồi để tập thể dục.
Nhìn lán Tỉn Keo, nơi Bác làm việc đơn sơ với vách nứa, mái lợp lá cọ ẩn mình trên đỉnh đồi tạo nên một cảm giác yên bình. Từ bàn ghế thô sơ, phong rêu thời gian đến những bậc lên xuống bằng đất nện gợi nhớ những năm tháng nếm mật nằm gai, trường kỳ kháng chiến của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương. Tại lán Tỉn Keo, chúng tôi xúc động vô cùng khi tận mắt chứng kiến cây dâm bụt Bác Hồ trồng năm xưa vẫn trổ hoa hàng ngày. Chị Bùi Thị Thương (nhân viên Phòng Quản lý Nhà trưng bày Bảo tàng ATK) bồi hồi kể: “Năm xưa, Người trồng cây dâm bụt này để đỡ nhớ quê nhà Nghệ An. Dường như cây dâm bụt là cây mà đi đến đâu Bác Hồ cũng đều trồng. Điều đó thể hiện lòng nhớ quê không bao giờ nguôi của Bác. Ở Tỉn Keo, nhìn cây dâm bụt đơm hoa bọn em lại nhớ Bác”.
Cũng trong khuôn viên khu di tích này, ngay dưới chân đồi Tỉn Keo, Nhà trưng bày Bảo tàng ATK Định Hóa còn có một gian trang trọng với tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi làm việc dưới bầu trời của “Thủ đô kháng chiến” và nhiều hình ảnh, hiện vật của Người tại ATK. Đặc biệt là bức ảnh ghi dấu sự kiện lịch sử tại đồi Tỉn Keo: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để thông qua kế hoạch tác chiến Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ của dân tộc.
Đổi thay trên vùng căn cứ xưa
Suốt hành trình về với vùng đất cách mạng, chúng tôi được Nguyên Ngọc - phóng viên Báo Thái Nguyên đồng hành, hướng dẫn. Trên đường đi, Nguyên Ngọc say sưa kể về vùng đất và con người ATK Định Hóa. Có lẽ là người am hiểu từng thớ đất, hơi thở của người vùng cao, chàng phóng viên trẻ nói về quê hương mình đầy vẻ tự hào. Ngọc chia sẻ: “Đến Thái Nguyên mà chưa lên ATK coi như chưa đến Thái Nguyên. So với những năm trước, bây giờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vùng ATK đã có rất nhiều sự đổi thay. Tuy làm việc ở thành phố, nhưng mỗi lần trở về Định Hóa tôi đều có cảm giác rất yên bình, dễ chịu”.
Sau 71 năm phát triển, ngày nay, vùng Chiến khu ATK Định Hóa đang đổi mới, trù phú hơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng các xã được trang bị đầy đủ, đường nhựa và bê tông đã vào tận ngõ xóm, điện lưới quốc gia vươn tới từng hộ gia đình; trường học, trạm y tế đều được xây dựng khang trang. Cùng với việc phục hồi các di tích lịch sử, huyện Định Hóa hôm nay đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế. Lòng tin vào Đảng của đồng bào nơi đây vẫn còn vẹn nguyên, cùng với đó, tư duy trong phát triển kinh tế đã đổi mới hơn xưa. Cả 24 xã, thị trấn của huyện đều có những bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều đạt 13%, thu nhập bình quân trên 27 triệu đồng/người/năm. Từ lâu, huyện Định Hóa được coi là vựa lúa của cả tỉnh, với dòng lúa Bao Thai nổi tiếng. Hiện nay, huyện tiếp tục thay đổi cơ cấu giống cây trồng, đầu tư thêm nhiều diện tích trồng chè, quế. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch cũng đang phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn việc làm được tạo ra.
Trên đường rời vùng đất ATK lịch sử, giữa nhấp nhô rừng cọ, đồi chè, những câu hát: “Lán nhỏ Tỉn Keo còn đó/Gió đèo De hát mãi tên Người” trong bài hát ATK nhớ mãi tên Người cứ vang vọng mãi. Trong tâm trí người dân ATK và đồng bào cả nước, hình ảnh Bác Hồ luôn được khắc ghi. Nay Bác kính yêu đã đi xa, nhưng dường như ở miền quê cách mạng này, chúng tôi vẫn cảm nhận đâu đây giọng nói ấm áp, hình ảnh của Người…
Theo Báo Khánh Hòa