50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là ngọn đuốc soi sáng cho dân tộc đi tới trong mọi hoàn cảnh. Qua Di chúc chúng ta học được ý chí, niềm tin, tình cảm, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng với cách mạng; học được cách để xây dựng Đảng xứng đáng là Đảng cầm quyền; hiểu cần phải làm gì để xây dựng chủ nghĩa xã hội khi Việt Nam thống nhất. Và xuyên suốt Di chúc là tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước, phát triển phong trào cách mạng của một trí tuệ lớn, một tâm hồn lộng gió thời đại, một trái tim tha thiết yêu đời, yêu người trọn vẹn.
Các trang đầu của một trong những bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ấn hành năm 1969
Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin được trình bày nội dung tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các bản Di chúc mà Người đã viết.
Tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh trước tiên phải kể đến việc dự báo thời gian đế quốc Mỹ thua và “cút”, đất nước thống nhất một cách chính xác. Người nói: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[1]. Để thành quả của sự thống nhất đất nước được trường tồn thì “củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc”[2] chắc chắn phải làm ngay.
Việc đầu tiên tiếp theo khi đất nước thống nhất là “hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”. Hàn gắn vết thương chiến tranh ở đây không chỉ là sự bù đắp những mất mát, tổn thất về con người và vật chất, không chỉ là dựng lại nhà, dựng lại trường, làm lại đường, phục hóa ruộng nương ở cả hai miền... Vết thương chiến tranh còn ở lòng người li tán bởi di chứng chiến tranh tâm lý và lối sống phản văn hóa, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà đế quốc Mỹ gieo rắc suốt 20 năm xâm lược nước ta. Để làm lành vết thương trên da thịt của mỗi con người, trên từng tất đất, mỗi mái nhà, để lối sống, tình cảm, tư tưởng của mọi người dân được lành mạnh, hướng đến chân - thiện - mỹ, đến giá trị tốt đẹp của dân tộc, đến tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc “là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”. Bác nhắc mỗi chúng ta phải thấy rõ và “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm” là vì vậy.
Chìa khóa vạn năng để giải quyết tốt “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” đó chính là yếu tố Con người - những Con người cụ thể, không hề chung chung. Vai trò quan trọng đầu tiên đó là con người lãnh đạo trong tổ chức lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. “Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Người thấy được mầm mống của tính “kiêu ngạo cộng sản” có thể hình thành, phát triển trong tổ chức Đảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nhất là khi vừa tham gia đánh thắng hai kẻ thù mạnh nhất hành tinh - thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên có thể phát sinh tâm lý kiêu ngạo như Người nói: “Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng... Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: Thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa”[3].
Khi đất nước thống nhất, hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới, để hoàn thành được sứ mệnh lãnh đạo, Đảng và cán bộ đảng viên không thể không đổi mới, nâng tầm về tư duy, về tri thức lãnh đạo, về trình độ tổ chức, quản trị xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra và dạy chúng ta phải thấy đây là “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” đầu tiên, phải giải quyết thấu đáo.
Thắng kẻ thù mạnh vẫn dễ hơn thắng sự kiêu ngạo, tự mãn, trì trệ, bảo thủ của bản thân. Có những anh hùng, dũng sĩ không chết vì đường gươm, mũi tên, viên đạn mà chết vì những tiếng kèn đồng người ta ca ngợi, hay ta tự ngợi ca. Thấy được vấn đề và vạch ra các mục tiêu tự đổi mới bản thân để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, hoàn cảnh mới đó chính là tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên.
Nếu như việc chỉnh đốn Đảng, ngăn ngừa, phòng tránh “bệnh kiêu ngạo” là việc phải làm ngay và làm thường xuyên để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để hoàn thiện, phát triển đội ngũ cán bộ - lực lượng lãnh đạo trong từng thời điểm, thì việc chăm lo “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” chính là một trong những chiến lược lâu dài về mục tiêu, động lực của sự phát triển. Nói về thế hệ trẻ - rường cột nước nhà - thế hệ cách mạng đời sau, Người dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên””. Bởi đây “là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Trong Di chúc, phần bổ sung tháng 5/1968, với tầm nhìn chiến lược thể hiện sự quan tâm sâu sát, cụ thể đến mọi lực lượng, các tầng lớp nhân dân trong xã hội, và từng số phận con người. Người nhắc nhở chúng ta phải có kế hoạch thật tốt để chăm lo chu đáo và phát huy được sức mạnh tổng lực, tổng hợp của xã hội, đồng thời thể hiện được đạo lý uống nước nhớ nguồn với người có công với đất nước, có đóng góp cho xã hội và tinh thần tương thân tương ái giữa những người có hoàn cảnh khác nhau. Không ai là không được quan tâm hay bị bỏ lại phía sau. Nhân dân, trong đó có những người, những gia đình hy sinh, các tầng lớp, giai cấp cống hiến sức người, sức của cho sự nghiệp thống nhất nước nhà phải là người được quan tâm, được hưởng thụ thành quả cách mạng, được hưởng ơn huệ của hòa bình, thống nhất trước tiên[4]. Người còn nhấn mạnh vai trò, đóng góp của phụ nữ trong kháng chiến và xây dựng đất nước thời gian qua và trong tương lai: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Tầm nhìn chiến lược với mục đích tối thượng là vì con người, không ai bị gạt qua bên lề xã hội, ai cũng là lực lượng tham gia kiến thiết đất nước. Người dặn những người có trách nhiệm và dặn chúng ta: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Điều Bác dặn có thể xem là cẩm nang của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện đất nước đã thống nhất.
Trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Người dặn chúng ta phải có “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”. “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.[5]
Việc phát động một kế hoạch xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp cũng đã được Di chúc đề cập chi tiết, giải thích rõ ràng. Đó là thay đổi quan niệm địa táng, khuyến khích hỏa táng, điện táng và Người nêu gương[6]. Đó là việc trồng cây xanh. Qua lời dặn dò của Người, chúng ta hiểu Người muốn nhắc chúng ta, nếu thương nhớ Người, hãy làm những việc tốt cụ thể, dù là việc nhỏ nhất, như trồng một cây xanh: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
Như vậy là trong Di chúc đã chỉ ra một cách vừa bao quát, vừa cụ thể hoạch định phát triển các mặt cơ bản khi đất nước thống nhất với tinh thần “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, với sự nhạy cảm chính trị tuyệt vời, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đã chỉ ra điểm yếu nhất của phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ. Những trăn trở của Người như là lời cảnh báo cho các quốc gia xã hội chủ nghĩa về ý nghĩa đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!”. Lời cảnh báo, cảnh tỉnh, thông điệp cấp cứu khẩn cấp ấy của một chiến sĩ quốc tế cộng sản trung kiên Hồ Chí Minh đã không được các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ghi nhận, tiếp thu đầy đủ để giải quyết tích cực mối bất hòa. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân bên trong quan trọng để 20 năm sau, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng và nhanh chóng tan rã? Khi nhìn lại các sự kiện đau lòng của các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa những năm 1989-1991, ta càng thấm thía về tầm nhìn chiến lược để tồn tại, phát triển trong mối tương quan giữa các đảng anh em và giữa các quốc gia tương đồng chính thể.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh qua Di chúc còn khơi thông mạch nguồn công tác đối ngoại cởi mở, chân tình. Đây là nền tảng của công cuộc hội nhập quốc tế mà Đảng và Nhà nước chúng ta đang triển khai có hiệu quả. Bởi trong chiến lược đối ngoại của Người, không chỉ bang giao với phe xã hội chủ nghĩa. Người viết “tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa”, đồng thời Người cho biết cũng sẽ đi thăm “các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”[7]. Mà “các nước bầu bạn” “ủng hộ và giúp đỡ” Việt Nam lúc ấy gần như là cả thế giới, chỉ trừ đế quốc Mỹ và thế lực theo đuôi đế quốc Mỹ. Tiếp thu tư tưởng, tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh, Đảng ta “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[8].
Hôm nay, được sống trong bầu trời độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, chúng ta nguyện ghi khắc và làm theo lời Bác Hồ kính yêu đã dạy “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[9].
Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác
Lên những tầng cao, thẳng cánh bay!
(Theo Chân Bác - Thơ Tố Hữu)
Lương Kiên Định - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, trang 612.
[2] Sách đã dẫn (Sđd), tập 15, trang 617.
[4] Sđd, Tập 15 trang 617.
[5] Sđd Tập 15 trang 617.
[6] “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn” (Sđd Tập 15 trang 615).
[7] Sđd Tập 15, trang 618.
[8] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Cty in Bình Định, 2016, trang 153.
[9] Sđd Tập 15, trang 614.